Minh bạch kinh doanh đa cấp, cơ hội cho doanh nghiệp chân chính

Nghị định 42/2014/NĐ-CP ra đời đã quy định chặt chẽ và chi tiết hơn về hoạt động bán hàng đa cấp, hạn chế hành vi "biến tướng," tạo cơ hội cho doanh nghiệp chân chính.
Minh bạch kinh doanh đa cấp, cơ hội cho doanh nghiệp chân chính ảnh 1Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm. (Ảnh: Thành Trung/Vietnam+)

Đã có nhiều vụ việc tiêu cực liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp và cho đến nay, có nhiều dấu hiệu cho thấy đa số người dân vẫn chưa hiểu rằng, về bản chất, bán hàng đa cấp hay kinh doanh đa cấp là một hình thức thương mại hợp pháp.

Chấn chỉnh ngành kinh doanh đa cấp

Để hoạt động bán hàng đa cấp đi vào khuôn khổ, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính, một nghị định mới vừa được Chính phủ đưa vào thực thi từ ngày 1/7.

Nghị định 42/2014/NĐ-CP ra đời để thay thế nghị định 110/2005/NĐ-CP, quy định chặt chẽ và chi tiết hơn về hoạt động bán hàng đa cấp.

Tại buổi tọa đàm “Hành lang pháp lý trong ngành bán hàng đa cấp” diễn ra ngày 25/7 tại Khánh Hòa, đại diện Bộ Công Thương đã giới thiệu những điểm mới của nghị định 42/2014/NĐ-CP.

Ông Phan Đức Quế-Trưởng phòng điều tra xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương) cho hay một trong những điểm mới của nghị định này, là thay đổi cơ quan chứng nhận đăng ký bán hàng đa cấp. Trước đây là Sở Công Thương, nay do Bộ Công Thương cấp.

Bên cạnh đó là quy định chi tiết đối với các đào tạo viên - là người đào tạo cho người bán hàng đa cấp. Chỉ những người được cấp phép chứng chỉ đào tạo viên của Bộ Công Thương mới được đào tạo người bán hàng đa cấp.

Nghị định cũng quy định chi tiết các giám sát bán hàng đa cấp; thông báo về hoạt động bán hàng đa cấp về địa phương sau khi được cấp phép; quy định trách nhiệm của Sở Công Thương đối với hoạt động bán hàng đa cấp…

Cơ hội cho doanh nghiệp chân chính

Nghị định mới đưa ra những quy định mới nhằm hạn chế những hành vi sai trái về bán hàng đa cấp. Ví dụ trước đây doanh nghiệp bán hàng đa cấp ký quỹ vốn rất thấp và kiếm lời trong thời gian ngắn rồi tự giải tán, ông Bạch Văn Mừng-Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) nói.

Theo ông Mừng, với nghị định mới, các cơ quan chức năng có tiêu chí để quản lý, đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm người tiêu dùng và doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

Tham gia hội thảo, bà Đặng Thị Vân An-Phó cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) nêu thực tế: Trong quá trình bán hàng đa cấp, một số người bán đã thổi phồng sự thật, một số “biến tướng” khi nói về sản phẩm. Cũng vì thế nên một số phương tiện thông tin đại chúng dùng những từ nặng nề đối với bán hàng đa cấp.

“Tuy nhiên, cũng cần nói rằng bản chất của bán hàng đa cấp không phải là xấu. Bản thân tôi mới đầu cũng không thích. Nhưng hiện nay tôi cũng đang dùng một vài sản phẩm, những sản phẩm này rất tốt”, bà An nói.

Theo bà, nếu bán hàng chân chính, sản phẩm tốt thì được người tiêu dùng tin tưởng, truyền thông sẽ ủng hộ. Ngược lại, những doanh nghiệp không tốt thì báo chí phải phản ánh, lên án.

Ông How Kam Chiong-Tổng giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn Amway Việt Nam cho rằng, nghị định mới là một thách thức với doanh nghiệp, vì quá trình đào tạo phải đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, theo ông, đây cũng là cơ hội lớn giúp doanh nghiệp đào tạo lại các đào tạo viên, để họ được nâng cao kiến thức về các quy định của ngành cũng như các quy định của pháp luật. Những người tham gia kinh doanh ngành bán hàng đa cấp sẽ phải có trách nhiệm hơn và tuân thủ luật pháp trong quá trình tham gia hoạt động bán hàng đa cấp.

Đây chính là cột mốc để tất cả các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính chấn chỉnh và tuân thủ luật pháp một cách chặt chẽ, cùng nhau làm “trong sạch hóa” và xây dựng lại một hình ảnh tốt đẹp hơn của ngành bán hàng đa cấp đối với cộng đồng.

Những hành vi bị cấm đối với người tham gia bán hàng đa cấp quy định trong Nghị định 42/2014:
a) Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải trả một khoản tiền nhất định, nộp tiền đặt cọc, hoặc phải mua một lượng hàng hóa nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;

b) Cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính chất, công dụng của hàng hoá hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp;

c) Tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị khách hàng, hội thảo giới thiệu sản phẩm, đào tạo mà không được doanh nghiệp bán hàng đa cấp ủy quyền bằng văn bản;

d) Lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp khác tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp mà mình đang tham gia;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội để yêu cầu người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp hoặc mua hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục