Ngoại trưởng Italy Angelino Alfano ngày 1/2 cho biết nước này có kế hoạch thành lập một “đội đặc nhiệm” nhằm thu hút các doanh nghiệp và ngân hàng chuyển từ London sang thành phố Milan của Italy sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU) còn gọi là Brexit.
Theo ông Alfano, Chính phủ Italy sẽ có biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ để Milan, trung tâm tài chính của nước này, trở thành một lựa chọn cho các nhà đầu tư, thay thế London sau khi Anh rời khỏi EU.
Sự kiện Brexit đã đem lại nhiều cơ hội cho Italy và Italy cần phải nỗ lực nhằm biến Milan trở thành một thành phố có khả năng cạnh tranh cao trong kỷ nguyên hậu Brexit.
Italy sẽ thu hút những doanh nghiệp quyết định rời London đến với Milan.
Là thủ phủ của Vùng Lombardy giàu có ở miền Bắc Italy, Milan là nơi có thị trường chứng khoán chính của đất nước hình chiếc ủng, cùng với hai sân bay và có trường đại học Bocconi, một trong những trường danh tiếng nhất ở châu Âu chuyên đào tạo các ngành nghề trong lĩnh vực kinh doanh và tài chính.
Năm 2015, uy tín của Milan cũng đã được nâng lên tầm cao mới sau khi thành phố này tổ chức thành công Hội chợ thế giới “Milan Expo 2015,” thu hút 20 triệu lượt khách.
Ngành thời trang và thực phẩm ở Milan cũng là những ngành nghề hấp dẫn và lôi cuốn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, tham vọng của Milan nhằm thu hút các công ty ở London đang vấp phải nhiều trở ngại, từ yếu tố ngôn ngữ tiếng Anh cho đến các luật về lao động.
Italy là một trong những quốc gia có tỷ lệ sử dụng thông thạo tiếng Anh thấp nhất trong EU.
Theo một nghiên cứu của Ủy ban châu Âu (EC), chỉ có 34% số dân Italy là có trình độ tiếng Anh ở mức đủ để làm việc. Vì vậy, những công ty đang tính đến khả năng rời khỏi Anh sau sự kiện Brexit lại đang có xu hướng lựa chọn thủ đô Dublin của Cộng hòa Ireland chứ không phải Milan.
Một yếu tố khác là chi phí an sinh xã hội ở Milan khá cao. Điều này có nghĩa chi phí thuê mướn nhân công ở Milan sẽ đắt đỏ hơn nhiều so với London.
Ngoài ra, những điều luật lao động cứng nhắc cũng khiến các ông chủ khó có thể sa thải nhân công.
Hệ thống pháp lý của Italy nổi tiếng là kém hiệu quả và trì trệ. Các vụ xét xử ở tòa án thường kéo dài trong nhiều năm, thậm chí là hàng thập kỷ.
Trong báo cáo “Khảo sát điều kiện thuận lợi trong kinh doanh” mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), Italy xếp hạng thứ 50 trên tổng số 190 quốc gia, sau cả Serbia, Belarus, Moldova và Armenia, trong khi Anh xếp thứ bảy.
Một số chuyên gia am hiểu tình hình kinh doanh ở Italy cũng như Anh cho rằng Dublin sẽ là thành phố hấp dẫn hơn đối với các công ty, ngân hàng ở London một khi họ quyết định rời khỏi Anh./.