Milan về tay người Trung Quốc: Tạm biệt Silvio Berlusconi

Milan chính thức về tay người Trung Quốc: Tạm biệt Berlusconi

Tất cả đã kết thúc, Silvio Berlusconi đã không còn là chủ sở hữu của Milan. 30 năm, 28 danh hiệu, hàng tỉ euro chi tiêu giờ chỉ còn là quá khứ.

Tất cả đã kết thúc, Silvio Berlusconi đã không còn là chủ sở hữu của Milan. 30 năm, 28 danh hiệu, hàng tỉ euro chi tiêu giờ chỉ còn là quá khứ. Một chương mới đã được mở ra trong lịch sử đội bóng áo sọc đỏ đen.

1. Những Milanista đã chuẩn bị tinh thần cho ngày này từ lâu. Bee Taechaubol, doanh nhân người Thái đã tới, mon men suốt gần một năm với Milan nhưng rồi tháo chạy không chút tăm hơi khi câu lạc bộ không có bất kỳ dấu hiệu tích cực nào trong việc trở lại với đẳng cấp vốn có của họ. Những ông chủ Trung Quốc tới, tiếp tục “bài” này khi hứa hẹn cả mùa Hè nhưng không chi ra dù chỉ một xu lẻ. Song cuối cùng, vẫn là người Trung Quốc giải tỏa tất cả.

99,93% cổ phần Milan đã được Silvio Berlusconi bán cho doanh nhân Trung Quốc, Li YongHong với giá 740 triệu euro, cùng lời hứa sẽ xóa khoản nợ 220 triệu euro và sẽ đầu tư 350 triệu euro cho đội bóng trong ba mùa tới.

Chưa biết những lời hứa này có trở thành sự thực hay không, nhưng việc Berlusconi rời khỏi ghế chủ tịch đã trở thành sự thực, khép lại 30 năm cùng Milan từ vực sâu lên đỉnh cao, và lại xuống vực sâu (chính là hiện tại). Nhưng những niềm vui thì luôn nhiều hơn nỗi buồn, Milan của Berlusconi là Milan vĩ đại, đó là một sự thật không thể chối cãi.

2. Tháng 2/1986, Silvio Berlusconi trong với tư cách một doanh nhân đáp máy bay trực thăng xuống sân tập Arena của Milan, trước mặt huấn luyện viên Nils Liedholm, Paolo Rossi, Piertro Virdis, Franco Baresi... những trụ cột của Milan vào thời điểm đó.

Những Milanista có lẽ lúc đó không thể tưởng tượng rằng, vị doanh nhân 50 tuổi với nụ cười như của diễn viên điện ảnh trong các thước phim đen trắng sẽ dẫn dắt đội bóng vẫn chịu dư chấn sau scandal Totonero ấy tới với những vinh quang vĩ đại, thiết lập nên một đế chế đỏ đen trên toàn lục địa già. Lần đầu tiên, và cũng là duy nhất, Milan vượt lên tất thảy, và vĩ đại một cách tuyệt đối. Đó là Milan của Berlusconi.

Berlusconi ở tuổi 50 đã đẩy Milan đi như một chiếc Ferrari trong lúc cả Châu Âu vẫn còn ậm ừ với chiếc FIAT. Đó không hề là một nhận xét quá đáng nếu nhìn lại những thay đổi dựa trên sự táo bạo, quyết liệt lẫn cả… đồng bóng của người đàn ông này.

Bổ nhiệm Arrigo Sacchi thay thế Nils Liedholm dù lúc đó Sacchi chỉ là huấn luyện viên tại Serie B, trước đó còn đi… bán giầy? Đó là táo bạo. Đẩy đi Paolo Rossi cùng hàng loạt cầu thủ người Anh, mang về những hợp đồng kỷ lục như Ruud Gullit, Van Basten, Gigi Lentini…? Đó là quyết liệt. Và xen vào các quyết định của huấn luyện viên (muốn Boban đá cánh, muốn Savicevic chơi trung phong…), đó là đồng bóng.

Tất cả những điều ấy, dù bất ngờ, khó hiểu, hay khó cả chấp nhận vẫn là cách mà Berlusconi tạo ra một đế chế Milan sau năm 1986. Berlusconi như một kẻ tài phiệt vào thời đại ấy, nhưng đằm tính (ít nhất là trong mắt các cổ động viên) để không chỉ biến Milan thành tập thể hấp dẫn nhất Italia, mà còn nhớ đó đi vào chính trường đất nước hình chiếc ủng.

5 chức vô địch cúp C1/Champions League của Rossoneri đồng nghĩa với ba lần Berlusconi đắc cử chức thủ tướng Italy. Bóng đá, cuộc sống, chính trị luôn có những mẫu số chung bất biến tại Italy. Với Berlusconi, mẫu số đó luôn có màu đỏ đen.

Ngay cả khi chiến dịch bàn tay sắt của Viện công tố Italia quét sạch đi những vết đen trong chính trị tại Italia vào năm 1995, Berlusconi bằng nhiều cách vẫn tồn tại.Ông có một khoảng thời gian lao đao ngắn ngủi trước khi đẩy Milan trở lại quỹ đạo với Andryi Shevchenko, Manuel Rui Costa, Oliver Bierhoff, những ngôi sao ngoại quốc đỉnh cao, và cả những người Italia như Palo Maldini, Alessandro Nesta, Andrea Pirlo hay Carlo Ancelotti.

Berlusconi đã tồn tại trong tất cả những biến cố đó. Ngay cả khi Calciopoli xảy ra, đẩy Milan xuống lớp bùn lầy của sự thất vọng, Rossoneri với bản lĩnh của ông chủ vẫn biết cách đứng dậy, giành những vinh quang không thể tin nổi trước khi gục ngã cùng tuổi già.

9 năm sau chức vô địch tại Athens thần thoại cùng cú đúp của Filippo Inzaghi, Milan của Berlusconi gần như biến mất trên bản đồ bóng đá châu Âu cùng cả Serie A. Tất cả đều đã từng đứng trên đỉnh cao với bàn đạp mang tên Berlusconi. Nhưng thời gian luôn nói không với những ông chủ theo nghiệp chính trị và bóng đá. 80 tuổi liệu đã là già để dừng lại. Câu trả lời là có với Berlusconi.

Dừng lại, dù không ở trên đỉnh cao, là một cách để đưa đội bóng tới với một thời đại mới. Bất chấp việc những Milanista phải cay đắng thừa nhận, họ không thích những ông chủ Trung Quốc, và họ cũng không thể chắc chắn rằng, Milan sẽ tốt hơn dưới tay những con người mới này.

Chắc chắn sau này những Milanista sẽ nhớ Berlusconi, nhớ những năm tháng hoàng kim trong quá khứ của tình yêu lớn nhất cuộc đời nhiều hơn mức họ có thể chịu đựng được. Nhưng giờ tất cả đã kết thúc, Berlusconi sẽ phải để Milan đi. Đó là cách cuộc sống diễn ra.

Lời cuối cùng, tạm biệt ông, Silvio Berlusconi, người tạo ra quá khứ tuyệt đẹp cho tất cả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục