Đã thành thông lệ, cứ mỗi sáng thứ bảy hàng tuần, những cô bé, cậu bé người Việt sinh ra và lớn lên ở thủ đô London của Vương quốc Anh lại háo hức theo cha mẹ đến trường để được đọc, được viết và trò chuyện bằng tiếng mẹ đẻ.
Vượt qua bao gian truân và thử thách, các giáo viên của Trường tiếng Việt ở London vẫn miệt mài "giữ lửa" để biến nơi đây thành một địa chỉ tin cậy của mỗi gia đình và cả cộng đồng.
Gần mười năm trước, Hội phụ nữ Việt Nam và gia đình tại quận Lewisham đã chung sức thành lập trường với mong muốn tạo ra một không gian để thế hệ trẻ học tiếng mẹ đẻ và gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc.
Trải qua nhiều thăng trầm, có lúc trường phải chuyển địa điểm và hiện vẫn đối mặt với nỗi lo về vấn đề tài chính để có thể tồn tại. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía cộng đồng, các giáo viên vẫn quyết tâm duy trì trường lớp như một bằng chứng sống động về sự trường tồn của tiếng Việt.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại London, cô giáo Nguyễn Quỳnh Giao - phụ trách trường cho biết, có 3 lớp học dành cho 3 đối tượng khác nhau, phân theo mức độ từ dễ đến khó. Lớp thứ nhất dành cho trẻ dưới 7 tuổi và hầu hết các cháu chưa biết tiếng Việt. Vì thế, trường đề ra mục tiêu chủ yếu là giúp các cháu bước đầu làm quen với chữ của tiếng Việt với sự kèm cặp của tình nguyện viên. Lớp thứ 2 được nâng cao hơn, nhưng chưa đủ trình độ để học tập 1 của bộ sách "Tiếng Việt Vui" do Bộ Giáo dục và Đào tạo ấn hành. Đây được coi là giai đoạn chuẩn bị để các cháu lên lớp thứ 3, bắt đầu học theo tập 1 của "Tiếng Việt Vui."
Cả cộng đồng chung sức
Sự thành công của trường có phần đóng góp rất quan trọng từ phía đội ngũ các tình nguyện viên. Đó chủ yếu là những sinh viên Việt Nam từ trong nước sang học, muốn đóng góp cho cộng đồng để giữ gìn văn hóa dân tộc. Các sinh viên được phân công kèm từng trẻ ở lớp thứ nhất. Họ hướng dẫn các em học bảng chữ cái, tập ghép vần, làm quen với số đếm và những từ giao tiếp đơn giản. Tính hiếu động và sự nhí nhảnh của trẻ thơ khiến buổi học trở nên vui nhộn hơn nhiều.
Kiên trì uốn nắn từng nét bút chì, giải thích những thắc mắc ngộ nghĩnh như tại sao phải là "xin chào", chứ không phải "chào"..., các tình nguyện viên vẫn miệt mài đồng hành với nhà trường và học sinh.
Dù mới tốt nghiệp đại học và đang đi thực tập, nhưng bạn Phạm Minh Tùng vẫn tranh thủ thời gian đến kèm hai em nhỏ 7 tuổi. Khi bắt đầu học, hai em chỉ bập bẹ tiếng Việt, nên Tùng phải kiên trì dạy từ bảng chữ cái với hy vọng sau một thời gian, vốn tiếng mẹ đẻ của cả hai sẽ được nâng lên.
Nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nhiều phụ huynh không quản ngại vất vả, đưa con em mình đến học. Một số người còn tự nấu đồ ăn ở nhà rồi mang đóng góp, hoặc giúp nấu bữa trưa phục vụ học sinh.
Theo cô giáo Quỳnh Giao, điều này giúp các cháu hiểu hơn về văn hóa ẩm thực của dân tộc, từ đó thêm yêu nguồn cội. Được tham gia những hoạt động vì cộng đồng không chỉ là niềm vui của bản thân họ, mà còn rất hữu ích cho con cháu mình - thế hệ sinh ra và lớn lên tại Anh.
Muốn nói tiếng của mẹ
Trò chuyện với phóng viên, chị Nhung Adams cho biết chị có con trai đang học tại trường. Mỗi thứ bảy, chị đều đưa cháu đến đây rồi ở lại phụ giúp chuẩn bị bữa trưa. Đến trường để học tiếng Việt, thưởng thức món ăn Việt, giao lưu trò chuyện với bè bạn, đó là niềm vui mà con chị ấp ủ cả tuần.
Ở xứ người, nên chị Nhung Adams luôn đau đáu nỗi niềm gìn giữ bản sắc dân tộc, và con cái lớn lên phải biết tiếng Việt. Chồng chị - một người Anh cũng động viên, khuyến khích con biết thêm về cội nguồn của mẹ.
"Cháu muốn nói tiếng của mẹ. Cháu rất thích không khí ấm cúng của cộng đồng người mình nơi đây" - chị Nhung Adams chia sẻ. Vì thế, cứ đến sáng thứ 7, con chị lại rộn ràng thức dậy sớm để được gặp mọi người ở trường.
Theo đánh giá của cô giáo Quỳnh Giao, bộ sách "Tiếng Việt Vui" đã có bước cải tiến hơn những bộ sách khác. Giáo viên có thể dạy được cả bốn kỹ năng nghe nói đọc viết cho học sinh. Đây được coi là thế mạnh quan trọng của "Tiếng Việt Vui". Tuy nhiên, để có thể phát huy hiệu quả hơn nữa, cần có thêm các tài liệu mới nhất, bởi một số tư liệu trong bộ sách này đã cũ.
Trước đây, trường thường phải điều chỉnh giáo trình cho phù hợp với đặc thù học sinh gốc Việt ở London. Có những quyển sách mang từ Việt Nam sang đã phải thay đổi nhiều để mang lại hứng thú học tập cho các cháu.
Khi giảng dạy theo "Tiếng Việt Vui", các giáo viên cũng cố gắng gắn giáo trình sát với thực tiễn cộng đồng tại London và Vương quốc Anh, được nhiều phụ huynh lên tiếng hoan nghênh. Mặc dù vậy, cô Quỳnh Giao cho rằng bộ sách vẫn cần được bổ sung những tư liệu mới, đoạn video... để tăng tính hấp dẫn.
"Có được tư liệu mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đó là những gì mà chúng tôi đang cần" - cô Quỳnh Giao khẳng định./.