Miền Trung-Tây Nguyên thiệt hại nặng vì bão số 11

Đến 17 giờ ngày 3/11, tỉnh Phú Yên có 22 người chết, mất tích; 16 người bị thương; hơn 340 nhà bị sập; gần 5.430 nhà hư hỏng, tốc mái.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Phú Yên, đến chiều 3/11, tình hình ngập lụt vẫn đang phức tạp, nhiều nơi vẫn bị chia cắt. Tính đến 17 giờ, toàn tỉnh có 19 người chết, 3 người mất tích, 16 người bị thương, hơn 340 nhà bị sập và gần 5.430 nhà bị hư hỏng, tốc mái.

Toàn tỉnh Phú Yên có 145 tàu thuyền bị chìm và hơn 20 chiếc khác bị trôi ra biển; một sà lan gỗ bị chìm trên vùng biển xã Xuân Hải, huyện Sông Cầu trôi vào bờ hơn 200 khúc gỗ, khiến hàng trăm người dân ra vớt.

Tuyến đường sắt từ ga Tuy Hòa đi Diêu Trì vẫn ách tắc giao thông. Tỉnh đang phối hợp với ngành đường sắt chuẩn bị tăng bo khi quốc lộ 1A thông xe với số hành khách dự kiến còn lại hơn 1.800 người.

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố Tuy Hòa có khoảng hơn 3.500 hành khách vãng lai bị kẹt xe phải ở lại.

Trong khi đó, theo số liệu ban đầu từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Bình Định, đến 13 giờ chiều cùng ngày, trên địa bàn tỉnh đã có 4 người chết, 2 người mất tích và 15 người bị thương. Bão lụt đã làm gần 130 nhà bị sập hoàn toàn, gần 2.500 nhà bị hư hỏng nặng, thiệt hại rất lớn về kinh tế.

Ban chỉ huy phòng chống bão lụt tỉnh đã quyết định đóng bớt một cửa xả đáy công trình Hồ thủy lợi Định Bình để giảm tần suất lũ xuống hạ lưu.

Ông Nguyễn Văn Miên, Phó trưởng ga Diêu trì, tỉnh Bình Định cho biết lũ lụt vào đêm ngày 2 rạng sáng 3/11, đã làm cho 150m nền đường sắt phía Nam nhà ga đã bị sạt lở nặng, Nhà ga bị ngập nước. Hiện tại, 1 đoàn tàu SH1 chạy từ Huế vào Nha Trang và Thành Phố Hồ Chí Minh đang bị kẹt tại nhà ga, trên tàu có 350 hành khách.

Cùng ngày, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Đắk Lắk cho biết tại các địa phương M’Đrắk, Buôn Hồ, Krông Năng, Ea H’leo, Buôn Ma Thuột đã có có hơn 350 nhà dân, trụ sở, trường học bị sập, tốc mái; hàng ngàn cây cao su, thông, keo ở các huyện Ea H’leo, Krông Năng, Buôn Hồ, M’Đrắk bị gãy đổ; nhiều diện tích cà phê đang sắp vào thời kỳ thu hoạch bị gió lốc làm rụng trái, gãy cành.

Mưa lớn kèm theo gió mạnh khiến 140 ngôi nhà ở của đồng bào ở các huyện khu vực Đông Trường Sơn như Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đắk Glei bị tốc mái, bị hư hỏng nặng, nhiều nhà ở bị đổ sập hoàn toàn. Mưa bão cũng làm hệ thống điện thắp sáng và thông tin liên lạc về các xã vùng sâu của huyện Kon Plông gồm Măng Búk, Đắk Ring, Đắk Nên, Ngọc Tem bị cắt đứt và không liên lạc được. Nhiều công trình thủy lợi và nhà kho chứa lúa của đồng bào bị vùi lấp và tốc mái.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, thống kê ban đầu của các địa phương, mưa lũ đã làm 4 người bị thương, 45 nhà sập hoàn toàn và tốc mái, 9 phòng học và trụ sở cơ quan bị tốc mái; 3.200m đê thủy lợi bị sạt lở; hơn 150ha lúa và hoa màu, 120ha cây công nghiệp ngắn ngày bị hư hỏng nặng.

Mưa lớn cũng làm 7 tuyến đường giao thông nông thôn bị sạt lở nghiêm trọng, đặc biệt tại km 67 quốc lộ 24 đi Kon Tum bị sạt lở 3 điểm. Ngoài ra, mưa lũ cũng làm toàn bộ hệ thống lưới điện và đường dây thông tin liên lạc của huyện miền núi Sơn Tây bị tê liệt.

Theo báo cáo sơ bộ của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Khánh Hòa, đến 15 giờ chiều cùng, bão số 11 đã làm 4 người chết,  4 người mất tích, 7 người bị thương, 130 nhà bị cuốn trôi hoặc sập hoàn toàn, hơn 730 nhà bị tốc mái, tụt vách, xiêu vẹo; hơn 30 phòng học, trạm xá, trụ sở Ủy ban Nhân dân xã bị hư hại; hơn 16.000m đường giao thông, hơn 1.000m đê, kè và gần 540m kênh mương bị sạt lở, hư hỏng, bồi lấp.

Có hơn 130ha lúa bị ngã đổ, hơn 100ha mía và hoa màu bị ngập, hư hại; 69 tàu, thuyền, xà lan bị chìm hoặc hư hại... Hiện chưa thống kê được giá trị hiệt hại. Phần lớn số người chết và mất tích đều do chủ quan.

Nha Trang và một số địa phương trong tỉnh Khánh Hòa đã ngớt mưa, nhưng mực nước các sông tiếp tục lên cao. Đến 17 giờ ngày 3/11, mực nước sông Dinh, huyện Ninh Hòa đã đạt đỉnh 6,32m, vượt báo động III là 1,32m, sông Cái, thành phố Nha Trang đạt đỉnh 12,55m, vượt báo động III là 2,55m. Ở huyện Ninh Hòa, hồ Suối Trầu đã vượt tràn 1,3 m (đạt 23,8m/cao trình 22,5m), các hồ khác như Đá Bàn và EaKrongruo đều sấp xỉ đạt cao trình.

Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục di dời dân ra khỏi vùng lũ, đề phòng lũ quét. Cho đến thời điểm này, toàn tỉnh đã di dời được hơn 2.360 hộ với hơn 9.250 người ra khỏi vùng nguy hiểm, đến nơi cao ráo, an toàn.

Đến chiều 3/11, toàn tỉnh Gia Lai đã có 4 người chết do bão lũ, đều của huyện Ia Pa; 14 người mất tích, trong đó có 8 công nhân thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Trọng Nguyên đang làm việc ở làng Hrách, xã Yang Nam, huyện Kôngchro và 6 người dân ở xã Chư Rcăm huyện Krôngpa.

Ngoài ra, hàng nghìn nhà dân ở các địa phương trong tỉnh đã bị chìm trong lũ. Gần như toàn bộ hoa màu ở các huyện phía Đông của tỉnh như Phú Thiện, Ayunpa, Krôngpa, Ia Pa đã chìm trong nước.

Đến cuối ngày, công tác cứu nạn, cứu hộ ở các vùng bị ngập đang được các địa phương tích cực triển khai. Tại Ayunpa, đã di dời khẩn cấp gần 700 hộ dân, riêng 2 xã Ia Yêng và Chư A Thai vẫn bị cô lập.

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, hiện tại mực nước ở các sông suối ở Gia Lai có dao động theo xu thế giảm chậm, tuy nhiên tại thị xã Ayunpa nước sông Ba vẫn ở mức cao, trên mức báo động III là 3,36m./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục