Miền Trung, Tây Nguyên: Cần những đột phá trong triển khai tín dụng

Các đại biểu cho rằng Chính phủ phải ưu tiên tập trung nguồn vốn cho các địa phương nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển.
Miền Trung, Tây Nguyên: Cần những đột phá trong triển khai tín dụng ảnh 1Đoàn Chủ tịch tại hội thảo. (Ảnh: Vietnam+)

Câu chuyện giảm nghèo bền vững và nối gần khoảng cách phát triển kinh tế của miền Trung, Tây Nguyên với các vùng miền trên cả nước là thách thức đòi hỏi cần sớm có chính sách tổng thể và các giải pháp đột phá cùng việc cung ứng nguồn lực đầy đủ theo kế hoạch. 

Đó là điều mà các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo “Thực trạng, hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2021 và kế hoạch, giải pháp triển khai giai đoạn 2022-2025 tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên” vừa diễn ra tại tỉnh Quảng Nam. 

Người lao động đã được hưởng vốn tín dụng chính sách

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, sau hơn 7 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tín dụng chính sách đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, đặc biệt, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội ngày càng tăng. 

Đến nay, nguồn vốn địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội tăng 23.978 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của các địa phương đến cuối tháng 5/2022 đạt 27.785 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 10% trong tổng nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, ngân sách địa phương đã ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội bổ sung nguồn vốn cho vay với tổng số tiền là 3.083 tỷ đồng. 

[Cho vay chuỗi giá trị thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn bền vững]

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Ngân hàng Chính sách xã hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai kịp thời cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương cho người lao động khi ngừng việc và sau khi phục hồi sản xuất. 

Từ khi triển khai thực hiện đến kết thúc đợt giải ngân ngày 31/3, toàn bộ 63 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, thành phố đã thực hiện giải ngân cho 1.548 người sử dụng lao động với số tiền 4.787 tỷ đồng để trả lương cho trên 1,2 triệu lượt người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn cả nước. 

Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã và đang giải ngân Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đạt hơn 2.335 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm là 2.033 tỷ đồng với gần 40.000 khách hàng được vay vốn, giải quyết tạo việc làm cho trên 58.000 lao động; cho vay học sinh sinh viên mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến gần 155 tỷ đồng với 14.500 khách hàng để mua 15.560 máy tính và thiết bị học trực tuyến; cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở hơn 140 tỷ đồng với 794 khách hàng; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 là 7,6 tỷ đồng với 90 cơ sở được hỗ trợ.

Cần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết tín dụng chính sách xã hội được đánh giá là “điểm sáng” trong các chính sách giảm nghèo, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt tại miền núi tín dụng chính sách xã hội đã làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số từ mặc cảm, tự ti, sợ vay, không dám vay nay đã mạnh dạn vay vốn và làm ăn có hiệu quả. 

Cũng theo ông Thanh, vốn tín dụng đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống, giảm bệnh tật, thất học và các tệ nạn xã hội, tiếp cận cách thức sản xuất hàng hóa, phát huy sự chủ động, sáng tạo để vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình, góp phần đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách tín dụng, tại khu vực miền núi các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được vẫn còn một số khó khăn ảnh hưởng đến hiệu quả tín dụng chính sách xã hội như: Điều kiện tự nhiên vùng dân tộc thiểu số và miền núi thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, sạt lở đất, dịch bệnh; giao thông đi lại khó khăn, xa xôi, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ hàng hóa; công tác lãnh, chỉ đạo của chính quyền địa phương có nơi, có lúc chưa phát huy được vai trò, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội, thiếu cơ chế lồng ghép hiệu quả giữa chính sách tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, phổ biến cách thức sản suất kinh doanh cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện cho hộ vay sử dụng có hiệu quả đồng vốn... 

Miền Trung, Tây Nguyên: Cần những đột phá trong triển khai tín dụng ảnh 2Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Dương Quyết Thắng phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Vietnam+)

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho rằng giảm nghèo bền vững ở vùng dân tộc thiểu số là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng các dân tộc. Vì vậy, Chính phủ phải ưu tiên tập trung nguồn vốn cho các địa phương nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển, thu nhập, mức sống của đồng bào giữa các vùng miền trong cả nước.

Tại hội thảo, lãnh đạo các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã đóng góp nhiều ý kiến phát biểu đánh giá kết quả thực hiện, rút ra tồn tại, bài học kinh nghiệm trong công tác triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại khu vực miền núi giai đoạn 2016-2021 ở mỗi địa phương liên quan. Từ đó, đề ra kế hoạch, giải pháp thiết thực, hiệu quả giai đoạn 2022-2025, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững. Gắn tín dụng chính sách với các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội tại khu vực miền núi và các mô hình hoạt động, dự án giảm nghèo; đề ra các giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách. 

Lắng nghe ý kiến các đại biểu, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng cũng nêu ra những vấn đề cần quan tâm giải quyết tốt trong thời gian tới như đa dạng hóa phương thức huy động nguồn lực để Ngân hàng Chính sách xã hội đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của người dân góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Ông Thắng cũng đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 40/CT-TW và Kết luận số 06/KL-TW của Ban Bí thư, xác định đây là nội dung công tác thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp; tiếp tục, quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; chỉ đạo lồng ghép có hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hướng dẫn cách làm ăn, đào tạo nghề, nhân rộng mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, tiêu thụ sản phẩm gắn với tín dụng chính sách xã hội trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tại địa phương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục