Miền Trung nâng tầm ứng phó biến đổi khí hậu để giảm thiệt hại

Miền Trung cấp thiết tăng cường năng lực dự báo thiên tai, dự báo chính xác, kịp thời để giúp chính quyền và người dân chủ động hơn nữa trong công tác phòng ngừa, tránh được những hậu quả thảm khốc.
Nhà dân bị sụp đổ do sạt lở núi tại xã Hướng Việt, Quảng Trị. (Ảnh: TTXVN phát)

Thiệt hại do mưa, bão, sạt lở núi, sạt lở ven sông, ven biển để lại hậu quả thảm khốc đều xuất phát bởi hai yếu tố cơ bản là thiên tai và con người.

Do vậy, để thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu thiệt hại do các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra cần có giải pháp thích nghi với biến đổi khí hậu và giải pháp quy hoạch, xây dựng hài hòa, thân thiện với thiên nhiên, môi trường trong xây dựng cơ sở hạ tầng.

Đây được xem là những giải pháp căn cơ, đồng bộ và mang tính chiến lược lâu dài, bền vững để thích nghi với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Giải pháp căn cơ và đồng bộ

Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống thiên tai miền Trung-Tây Nguyên Nguyễn Văn Vỹ nhận định, nguyên nhân dẫn đến thiệt hại nặng có cả khách quan và chủ quan.

Trong đó, nguyên nhân chủ quan do nhận thức, mức độ quan tâm của chính quyền và người dân một số nơi còn hạn chế; hệ thống tổ chức bộ máy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn kiêm nhiệm, thiếu chuyên nghiệp.

Về nguyên nhân khách quan, thiên tai gần đây diễn ra khốc liệt, bất thường và vượt lịch sử cả về số lượng lẫn cường độ.

Bên cạnh đó, địa hình đồi núi dốc cao, chia cắt mạnh, kết cấu đất vùng núi phần lớn là bở rời, dễ sạt trượt dễ dẫn đến sạt lở.

Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế, tỉnh có diện tích vùng đồi núi chiếm hơn 75% trên tổng diện tích toàn tỉnh.

Qua khảo sát, toàn tỉnh có 48 điểm nguy cơ xảy ra sạt lở tập trung ở các khu vực gò đồi, núi của các huyện Nam Đông, A Lưới, Phú Lộc, Phong Điền và thị xã Hương Thủy, Hương Trà.

Với đặc thù địa hình này, tai biến địa chất sạt lở đất, lũ quét, lũ bùn đá thường xảy ra ở vùng địa hình núi thấp có độ cao từ 250-750m, độ dốc từ 15-25%, chiếm khoảng 36% diện tích toàn tỉnh.

Qua rà soát, huyện miền núi Nam Đông có 10 vị trí nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, khi có mưa lớn kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 230 hộ dân.

Trong đó, 5 vị trí có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, gồm tổ dân phố 2, thị trấn Khe Tre; thôn Ria Hố, xã Thượng Lộ; thôn 5, xã Thượng Long; thôn Đa Phú, xã Hương Phú và thôn 2, xã Thượng Nhật.

Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nam Đông cho biết, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, huyện chủ động tuyên truyền vận động và thực hiện sơ tán tạm thời các hộ có nguy cơ ảnh hưởng khi có mưa lớn kéo dài; cắm biển báo tại các khu vực nguy hiểm, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét.

Về lâu dài, địa phương triển khai rà soát, xác định vị trí có nguy cơ sạt lở để xây dựng phương án bố trí tái định cư di dời các hộ ở các vị trí nguy hiểm; đồng thời, bố trí kinh phí đầu tư xây dựng kè sạt lở.

Tuy nhiên, nguồn kinh phí địa phương có hạn, kiến nghị cấp trên tạo kiều kiện hỗ trợ đầu tư kinh phí để sớm ổn định đời sống của người dân.

[Miền Trung ứng phó với biến đổi khí hậu: Thiên tai và nhân tai]

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh chia sẻ, tác động của biến đổi khí hậu đã gây ra tình trạng diễn biến thiên tai ngày càng bất thường và cực đoan; lũ quét, sạt lở đất, triều cường xâm thực ngày càng sâu vào đất liền; thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng.

Chỉ riêng năm 2020, mưa bão đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, với ước tính thiệt hại trên 11.000 tỷ đồng.

Do vậy, tìm giải pháp căn cơ, đồng bộ và có tính khả thi cao để khắc phục thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu thiệt hại là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài và là mục tiêu đang được địa phương hướng đến.

Những điểm sạt lở do lũ quét trên đường vào xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, Quảng Nam. (Ảnh: Quốc Dũng-TTXVN)

Tiến sỹ Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai nhấn mạnh, về lâu dài, bên cạnh việc khảo sát, lựa chọn vị trí, xây dựng cơ sở hạ tầng các khu tái định cư ở những khu vực an toàn để bố trí cho bà con làm lại nhà ở mới an toàn, các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh khu vực miền Trung cần sớm tìm giải pháp căn cơ, đồng bộ và có tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương để chủ động hơn nữa trong việc ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Mặt khác, để ứng phó hiệu quả với thiên tai, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kịch bản ứng phó với lũ, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét và các loại hình thiên tai khác.

Nâng tầm ứng phó

Ngay sau khi những trận bão lũ, sạt lở núi kinh hoàng xảy ra vào cuối năm 2020, Đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu đã thị sát tình hình, chỉ đạo khẩn những giải pháp quyết liệt để khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống và khôi phục sản xuất cho nhân dân các tỉnh miền Trung.

Làm việc với lãnh đạo các, tỉnh, thành phố khu vực miền Trung tại tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tuyệt đối không để bất cứ hộ gia đình nào, nhất là đồng bào ở vùng sâu vùng xa, vùng sạt lở núi phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất” và bị thiếu ăn; không để xảy ra dịch bệnh; phải tìm cho bằng được những người mất tích; phải nhanh chóng ổn định đời sống và khôi phục sản xuất cho nhân dân.

Mặt khác, Quảng Nam cũng như các tỉnh trong khu vực cần tăng cường nhận thức, sự hiểu biết cũng như khả năng ứng phó của chính quyền, người dân với thiên tai.

Bên cạnh đó là nhu cầu cấp thiết về việc tăng cường năng lực dự báo thiên tai, nhất là tăng cường ứng dụng công nghệ dự báo chính xác, kịp thời để giúp các cấp ủy, chính quyền chủ động hơn nữa trong công tác chỉ đạo phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, giúp người dân chủ động trong công tác phòng ngừa, không chủ quan với diễn biến của thời tiết.

Theo Tiến sỹ Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, để chủ động giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, sạt lở ven sông, ven biển, cần thiết phải thực hiện một số giải pháp như tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai; rà soát lại các kịch bản biến đổi khí hậu để làm cơ sở xây dựng các phương án ứng phó hiệu quả.

Quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch đô thị, quy hoạch tỉnh, quy hoạch khu dân cư phải gắn với ứng phó biến đổi khí hậu; xây dựng bản đồ cảnh báo thiên tai phù hợp với đặc điểm thiên tai, điều kiện từng vùng; quản lý tốt rừng tự nhiên, tái sinh rừng phòng hộ; kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông, hồ đập thủy lợi, thủy điện, đặc biệt là các hồ thủy điện nhỏ.

Tiến sỹ Trần Hữu Tuyên, Khoa Địa lý-Địa chất, Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế), cho biết trong điều kiện thời tiết như hiện nay, với sự tác động của biến đổi khí hậu, chúng ta không được chủ quan đối với các hiện tượng sạt lở đất, đặc biệt là sạt lở núi ở gần các khu dân cư.

Địa phương cần xây dựng bản đồ cảnh báo các vị trí nguy cơ sạt lở đất thật chi tiết ở cấp xã; các địa phương cần tiến hành điều tra, đánh giá độ rủi ro các khu dân cư, công trình quan trọng nằm ở các vùng sạt lở đất, từ đó có giải pháp di dời và thực hiện tái định cư; xây dựng các trạm cảnh báo nguy cơ sạt lở đất.

Bên cạnh đó, các dự án xây dựng cần đánh giá tác động môi trường một cách định lượng, cụ thể hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục