Miền Đông Canada ghi nhận nhiệt độ mùa Thu cao kỷ lục

Không chỉ tại Canada, nhiều nước cũng ghi nhận các mốc nhiệt kỷ lục liên tục bị phá vỡ. Sau một mùa Hè oi ả và tháng Chín ấm áp trái mùa, chuyên gia dự đoán năm nay sẽ trở thành năm nóng nhất lịch sử.
Miền Đông Canada ghi nhận nhiệt độ mùa Thu cao kỷ lục ảnh 1Nắng nóng tại Montreal, Quebec (Canada) ngày 5/10/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong tuần này, miền Đông Canada đã hứng chịu nắng nóng kỷ lục với nền nhiệt tiệm cận 30 độ C.

Mốc nhiệt tại tỉnh Quebec và các tỉnh lân cận trong ngày 5/10 đã xô đổ kỷ lục nắng nóng ghi nhận 3 ngày trước đó.

Cụ thể, nhiệt độ cao nhất tại thành phố Montréal thuộc tỉnh trên có thời điểm lên tới 29,3 độ C, vượt mức kỷ lục 26,7 độ C từng ghi nhận vào năm 2005.

[Canada cảnh báo nhiệt độ lên tới 40 độ C trên khắp cả nước]

Từ người dân đến du khách tới thăm thành phố đều cảm nhận rõ thời tiết nóng bất thường dù trời đã vào Thu.

Nhà khí tượng học Jean-Philippe Begin tại Canada đánh giá đây là điều chưa từng ghi nhận trong tháng 10.

Ông lưu ý vào khoảng thời gian này những năm trước, thỉnh thoảng có những đợt nắng nóng, nhưng nhiệt độ cực cao như hiện nay là "rất bất thường."

Nhà khí tượng học Begin dự báo nhiệt độ sẽ giảm trở lại mức thông thường theo mùa vào cuối tuần và có thể có tuyết rơi ở một số vùng phía Bắc Canada.

Tuy nhiên, ông cảnh báo các hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm cả sóng nhiệt, sẽ xuất hiện thường xuyên hơn và gây tác động tiêu cực hơn theo thời gian.

Không chỉ tại Canada, nhiều quốc gia trên thế giới cũng ghi nhận các mốc nhiệt kỷ lục liên tục bị phá vỡ. Sau một mùa Hè oi ả và tháng Chín ấm áp trái mùa, giới chuyên gia dự đoán năm nay sẽ trở thành năm nóng nhất trong lịch sử nhân loại.

Trong báo cáo được công bố ngày 5/10, Cơ quan Theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay cao hơn 1,4 độ C so với giai đoạn 1850-1900, gần như phá vỡ mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt của Trái Đất không vượt quá 1,5 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu hồi năm 2015.

Mức giới hạn này được coi là cần thiết để tránh những hậu quả thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu. Nền nhiệt trung bình toàn cầu trong 9 tháng đầu năm nay cao hơn 0,05 độ C so với cùng kỳ năm 2016 - năm ấm nhất được ghi nhận cho đến nay.

Các nhà khoa học nhận định hiện tượng thời tiết El Nino - làm ấm vùng nước ở phía Nam Thái Bình Dương và gây ra nắng nóng kéo dài hơn - có khả năng khiến 2023 trở thành năm nóng kỷ lục.

Giới khoa học cũng dự đoán có thể cảm nhận rõ những tác động tiêu cực nhất của hiện tượng thời tiết này vào cuối năm nay và sang năm sau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục