Về đâu mùa ngọt mía đường Nam Trung Bộ - Bài 1: Nỗi khổ của nông dân

Mía đường: Mùa ngọt thành nỗi khổ của nông dân

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, năm 2019, ngành mía đường sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong bối cảnh người trồng mía đã lao đao trong 2 năm qua vì liên tục chịu thua lỗ.
Ngành mía đường ở Nam Trung Bộ đang gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Vùng mía nguyên liệu và các nhà máy đường tại các tỉnh Nam Trung Bộ gồm Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa chủ yếu là ở khu vực miền núi, trong đó, tỉnh Phú Yên là một trong những địa phương có diện tích vùng nguyên liệu lớn nhất của cả nước.

Cây mía đã trở thành cây trồng chủ lực giúp xóa đói, giảm nghèo cho người dân ở vùng miền núi. Tuy nhiên, trước bối cảnh hội nhập, ngành mía đường đã phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi nhiều nơi nông dân không còn mặn mà với cây trồng này.

Chính vì vậy, nếu không có những giải pháp phát triển bền vững và sự nỗ lực từ nhiều phía thì khó có thể vực dậy ngành mía đường trong tương lai.

Bài 1: Khó, khổ đổ lên đầu nông dân

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, năm 2019 ngành mía đường sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Điều dễ nhận thấy nhất đó là giá mía nguyên liệu liên tục giảm trong khi các chi phí khác lại tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến người nông dân khi hai năm trở lại đây người trồng mía liên tục chịu thua lỗ.

Thêm một mùa thất bát

Niên vụ 2018-2019, tỉnh Phú Yên có diện tích mía hơn 25.805ha; năng suất mía bình quân đạt hơn 63 tấn/ha; sản lượng ước đạt hơn 1,6 triệu tấn. Trong khi đó các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch ép hơn 1,4 triệu tấn, giảm 6,8% so với niên vụ trước.

Hiện nay, giá thu mua mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Phú Yên xuống thấp.

Cụ thể, tại nhà máy đường Tuy Hòa mua mía có 10 chữ đường với giá 750.000 đồng/tấn.

Nhà máy đường KCP (có hai nhà máy đặt tại huyện Sơn Hòa và huyện Đồng Xuân) mua mía 10 chữ đường với giá cao nhất là 850.000 đồng/tấn. Với giá mía như hiện nay cộng với việc nhân công thu hoạch có giá cao lên đến 300.000 đồng/tấn nên nông dân chắc chắn thua lỗ.

Dưới cái nắng hơn 30 độ C, bà Huỳnh Thị Lệ Hồng ở xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa và những “phu chặt mía” vẫn đưa tay thoăn thoắt chặt rồi bó mía chất thành đống.

Bà Hồng than thở, năm nay mía thu hoạch bà con gặp nhiều khó khăn, công thì cao giá thì thấp. Năm ngoái giá còn được 950.000 đồng/tấn, năm nay chỉ còn có 850.000 đồng. Tuy nhiên đó là mía đạt 10 chữ đường.

Ở đây nhiều diện tích mía có chữ đường thấp nên giá nhà máy mua cũng thấp theo. Bây giờ lâm vào tỉnh cảnh rớt giá như thế này, nhiều người thu tiền bán mía về cũng không đủ tiền trả lãi ngân hàng.

Tại tỉnh Khánh Hòa, niên vụ mía năm nay được người dân đánh giá “mùa mía đắng” bởi sản lượng thấp, chữ lượng đường thấp và giá bán cũng thấp.

Giá thu mua mía nguyên liệu trên thị trường dao động từ 695.000 đến 720.000 đồng/tấn mía 10 chữ đường. Giá thu mua này giảm từ 105.000 đến 130.000 đồng/ tấn so với niên vụ trước.

Nhiều nông dân khi nhận giá bán 1 tấn mía cho nhà máy chỉ đủ để trả các chi phí như nhân công thu hoạch (200.000 đồng); tiền bốc xếp, vận chuyển (125.000 đồng, chưa tính tiền tăng bo), tiền phân bón, tưới nước, làm cỏ...

Anh Nguyễn Văn Tiến ở xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa, chia sẻ, mấy năm trở lại đây việc trồng mía ngày càng khó khăn.

Một ha đất trồng mía đầu tư công cán, chi phí các khoản dao động từ 35 đến 40 triệu đồng. Nếu được mùa thì thu hoạch được 60 tấn/ha mà mất mùa chỉ 25 đến 30 tấn/ha.

Vụ mía đầu tiên (mía tơ chưa lưu gốc) sản lượng có thể cao hơn đạt khoảng 100 tấn/ha.

Nhiều năm trước, trừ tất cả chi phí hao hụt, người dân vẫn lãi được khoảng 20 triệu/ha thì niên vụ năm nay, giá cả èo uột, chữ lượng đường thấp, sản lượng thấp. Sau khi trừ các chi phí phân bón, công sức chăm bón, người dân coi như trắng tay.

Mặc dù bây giờ đang là chính vụ thu hoạch mía nhưng trên những cánh đồng mía của huyện Tây Sơn, nơi được xem là “thủ phủ” mía của Bình Định lại vắng hoe, đìu hiu.

Hai bên đường những cánh đồng mía đã quá kỳ thu hoạch héo khô. Nông dân âu lo chạy kiếm thương lái bán mía, nhưng không ai mặn mà mua vì lỗ công chặt, vận chuyển.

Ông Nguyễn Văn Cầm ở thôn Trung Sơn, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn cho hay, vụ mùa này, giá mía tụt giảm mạnh bởi nhà máy đường Bình Định bị đình chỉ không thu mua mía nữa nên người dân phải bán cho lái buôn chở ngược lên Nhà máy đường An Khê (tỉnh Gia Lai).

[Hoãn ATIGA thêm 2 năm, ngành mía đường có thoát khỏi khó khăn?]

Hơn nữa, giá bán tại ruộng chỉ từ 300.000-350.000 đồng/tấn nhưng lái buôn cũng thờ ơ. Không những thế, lái buôn chỉ chọn mua những ruộng nào mía đẹp, chữ đường cao khiến nhiều diện tích mía người dân bỏ khô không thu hoạch.

Khó lại chồng khó

Một nghịch lý với cây mía hiện nay là trong khi giá thu mua mía nguyên liệu giảm thì các chi phí đầu vào như phân bón, công chăm sóc, công thu hoạch... lại tăng. Điều này đã dồn người nông dân đến tình cảnh đã khó lại càng thêm khó.

Nông dân thu hoạch mía. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Điều khiến nông dân mất lãi chính là công thu hoạch mía và vận chuyển, bởi khi đường có giá, mía được nhà máy đường tăng giá và “ưu ái” đưa xe đến tận nơi để chuyên chở. Nhưng hiện tại, nông dân phải “tự thân vận động.”

Bà Ngô Thị Đến, nông dân trồng mía xã Diên Đồng, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, trước đây, VietSugar thu mua mía tại ruộng, hỗ trợ công bốc xếp, điều xe vận chuyển mía cho nông dân.

Năm nay, công ty lại thông báo mua mía của nông dân tại nhà máy đường ở tận thành phố Cam Ranh với khoảng cách khoảng 50km.

Ngoài ra, nông dân cũng phải tự lo phương tiện vận tải, công ty hỗ trợ công bốc xếp, tiền vận chuyển mía là 136.000 đồng/tấn. Chính điều này khiến chi phí thu hoạch của nông dân tăng thêm 100.000 đồng/tấn so với trước đây.

Chi phí tăng, giá mua mía giảm, năng suất mía thấp khiến nhiều nông dân trồng mía vô cùng khó khăn.

Vẫn là chuyện vận chuyển mía, ở Phú Yên theo cam kết của nhà máy đường với nông dân trong hợp đồng bao tiêu nông sản là: “xe sẽ bốc mía tại ruộng.” Thế nhưng “lách” chuyện này, một số lái xe chỉ đậu xe ở bờ ruộng, gần đường để bốc mía chở về nhà máy.

Điều này đã phát sinh thêm công vận chuyển từ 50.000-70.000 đồng/tấn mía. Nếu chủ mía nào “nói khéo” và tự nguyện “bo” khoảng 200.000-300.000 đồng thì lái xe sẽ đánh xe vào tận nơi.

Về vấn đề phải “bo” cho tài xế này, ông Nguyễn Đình Chiến, đại diện Nhà máy Đường Tuy Hòa cho biết, nhà máy khi cấp phiếu chặt mía có kèm theo lệnh điều xe, ghi rõ biển số xe; trong khi xe tải phải vào tận nơi để bốc mía về nhà máy.

Nếu người dân nào phát hiện việc lái xe đòi tiền thêm thì báo với nhà máy để cắt hợp đồng vận chuyển…

Tuy nhiên, việc cam kết, lý giải là việc của nhà máy còn ở ruộng mía chuyện “bo” hay “không bo” vẫn là một trong những “chi phí phát sinh” mà nông dân phải chịu. Đúng là tất cả mọi khó, khổ đều đổ lên đầu người nông dân trồng mía./.

Bài 2: Nguy cơ mất vùng nguyên liệu

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục