Theo Bản đồ về tình trạng phá rừng trên thế giới có tên gọi “Global Forest Watch - GFW," được lập bởi Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) từ các dữ liệu của Google Maps và Google Earth, Mexico mất tổng cộng 253.000ha rừng trong năm 2016. Con số này lớn hơn diện tích của thành phố Mexico City, thủ đô của quốc gia Mỹ Latinh này.
Căn cứ vào bản đồ nêu trên, diện tích rừng của Mexico bị mất đi trong năm ngoái tăng 36% so với năm 2015 và nhiều hơn 100.000ha so với mức bình quân giai đoạn 2010-2015 mà nước này đã đăng ký với Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO).
[Báo động tình trạng phá rừng nhiệt đới bờ biển Đại Tây Dương Brazil]
Bang Chiapas nằm phía Tây Nam Mexico là địa phương chịu ảnh hưởng nhiều nhất với 65.760ha rừng bị mất, tiếp đến là ba bang nằm trên bán đảo Yucatan là Campeche với 54.700ha; Yucatan với 23.000ha và Quintana Roo, nơi có khu du lịch nổi tiếng Cancun cũng bị “cạo trọc” 17.824ha...
Sử dụng đất rừng để phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, đặc biệt là trồng đỗ tương, cây lương thực và cây cọ để lấy dầu dùng trong ngành công nghiệp thực phẩm chính là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng chặt phá rừng hiện nay tại Mexico.
Theo WRI, nếu tình trạng chặt phá rừng duy trì nhịp độ hiện nay, thì đến hết thế kỷ 21, Mexico sẽ không còn rừng cây, kéo theo việc đánh mất luôn hệ đa dạng sinh học phong phú cùng với cảnh quan môi trường mà nước này được thiên nhiên ưu ái.
Trước thực trạng nói trên, Chính phủ Liên bang Mexico đã cam kết thúc đẩy mọi nỗ lực để ngăn chặn nạn phá rừng. Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi, Phát triển Nông thôn, Nghề cá và Thực phẩm cùng Bộ Môi trường đã ký thỏa thuận hợp tác trồng 8,5 triệu ha rừng trong hai năm tới; trong khi đó chính quyền bán đảo Yucatan cũng cam kết giảm 80% nạn chặt phá rừng vào năm 2020 và tiếp tục giảm xuống 0% vào năm 2030.
Theo thống kê, với diện tích rừng lên tới 66 triệu ha và hơn 106 triệu cây trồng, Mexico lọt vào danh sách 10 nước có diện tích rừng và trồng rừng lớn nhất trên thế giới vào năm 2015./.