Mexico nỗ lực bảo tồn “khủng long 6 sừng” trước nguy cơ tuyệt chủng

Được coi là một trong những loài động vật kỳ lạ nhất thế giới với khả năng tự tái tạo các mô và cơ quan bị tổn thương, axolotl là một biểu tượng của Mexico.
Axolotl, hay còn có tên khác là kỳ giông Mexico hay khủng long 6 sừng. (Nguồn: lithub.com)

Theo phóng viên TTXVN tại Mexico City, Đại học Tự trị Quốc gia Mexico (UNAM) đã triển khai chương trình bảo tồn loài axolotl trong môi trường sống tự nhiên của loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng này.

Được coi là một trong những loài động vật kỳ lạ nhất thế giới với khả năng tự tái tạo các mô và cơ quan bị tổn thương, axolotl, hay còn có tên khác là kỳ giông Mexico hay khủng long 6 sừng, là một biểu tượng của Mexico.

Viện Sinh học UNAM hiện đang nghiên cứu thúc đẩy sinh sản của loài lưỡng cư này trên các kênh đào ở thủ đô Mexico City.

Mặc dù ngày càng có ít bằng chứng cho thấy sự tồn tại của các quần thể hoàn chỉnh, các nhà khoa học tin rằng quận Xochimilco, nổi tiếng với hệ thống kênh và các đảo nổi chinampa, vẫn là nơi loài đặc hữu này sinh sống nhiều nhất.

Theo chính quyền địa phương, hiện vẫn còn 185 km kênh và 2.700 ha đảo chinampa là nơi kỳ giông Mexico sinh sống.

[Australia liệt gấu koala vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng]

Thị trưởng quận Xochimilco Carlos Acosta cho biết các con kênh được làm sạch “còn hơn cả đường phố,” và nhấn mạnh việc làm sạch nước còn tốn kém hơn công sức thu gom rác của các hộ gia đình.

Loài axolotl, với tên khoa học là Ambystoma mexicanum, thường là đối tượng của các nghiên cứu y học và sinh học về khả năng tái tạo các bộ phận bị tổn thương của cơ thể.

Tuy nhiên, nhiều khía cạnh trong cuộc sống của những loài lưỡng cư này vẫn còn là một ẩn số.

Norma Moreno Mendoza, chuyên gia thuộc Viên Nghiên cứu Y sinh UNAM, cho rằng để bảo tồn loài này cần tìm hiểu điều kiện và các cơ quan sinh sản của chúng. Đến nay mới chỉ có mô tả về hình thái các bộ phận này, chứ chưa có mô tả về chức năng.

Theo cơ quan quản lý môi trường Mexico City, hiện ở vùng đất ngập nước thuộc quận Xochimilco có khoảng 100 cá thể axolotl/km2. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát thực địa do UNAM tiến hành năm 2019 chỉ ghi nhận 35 cá thể/km2.

Ruben Rojas, chuyên gia thuộc Viện Sinh học UNAM, nhận định các con kênh chịu ảnh hưởng từ ô nhiễm nguồn nước, quá trình phát triển đô thị và nhất là sự xâm nhập của các loài ngoại lai khiến số lượng axolotl giảm dần, đến mức trong những năm gần đây loài này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Theo biên niên sử của nhà khoa học Alexander Von Humboldt, axolotl từng sinh sống nhiều ở Mexico thời kì tiền Tây Ban Nha.

Sau cuộc xâm lăng của người Tây Ban Nha năm 1521, loài này phân bố chủ yếu trong 7 khu vực hồ ở Thung lũng Mexico, gồm Zumpango, Texcoco, Mexico, Xaltocan, Xochimilco, Chalco và Mixquic./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục