Mexico, Mỹ và Canada hoàn tất tái đàm phán NAFTA vào đầu năm 2018

Mexico, Mỹ và Canada dự kiến sẽ tiến hành 7 vòng đàm phán, mỗi vòng cách nhau 3 tuần, nhằm hướng tới mục tiêu hoàn tất tiến trình này vào đầu năm 2018.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer (trái) tại vòng tái đàm phán thứ nhất Hiệp định NAFTA ở Washington D.C. ngày 16/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 20/8, kết thúc vòng tái đàm phán đầu tiên về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Mexico, Mỹ và Canada cam kết tiến hành một tiến trình đàm phán nhanh chóng và toàn diện nhằm điều chỉnh thỏa thuận này.

Tuyên bố chung cho biết các nhóm kỹ thuật sẽ nỗ lực đưa ra một văn bản đàm phán tổng thể vào cuối tháng Tám để làm cơ sở cho vòng đàm phán thứ 2 diễn ra từ ngày 1-5/9 tới tại Mexico, vòng 3 tại Canada vào cuối tháng Chín và vòng 4 tại Mỹ vào trung tuần tháng Mười.

Đại diện đàm phán của 3 nước thông báo các nhóm kỹ thuật đã thảo luận hàng loạt vấn đề theo đề xuất của mỗi bên liên quan tới quy định về xuất xứ, giải quyết tranh chấp thương mại đối với chống bán phá giá và trợ giá, minh bạch và chống tham nhũng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, dịch vụ tài chính, đầu tư, biên mậu, lưu thông của công dân, thương mại số, viễn thông, dệt may, tỷ giá hối đoái, doanh nghiệp nhà nước, hàng hóa và thời gian lưu trú của công dân.

Tại vòng đàm phán kéo dài từ ngày 16-20/8, đại diện của phía Mỹ vẫn tái khẳng định ưu tiên giảm thâm hụt thương mại với Mexico, cũng như thắt chặt quy định về xuất xứ đối với lĩnh vực ôtô, trong đó đưa vào việc tăng tỷ lệ nội địa hóa của nước này.

[Thương mại điện tử - Điểm “nóng” trong tái đàm phán NAFTA]

Theo thống kê, Mỹ chịu thâm hụt thương mại 64 tỷ USD với Mexico và 11 tỷ USD với Canada trong năm 2016. Ngành công nghiệp ô tô chiếm phần lớn lượng thâm hụt thương mại của Mỹ.

Phản ứng trước nỗ lực của Mỹ về việc tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, Trưởng đoàn đàm phán của Mexico, Bộ trưởng Kinh tế Ildefonso Guajardo, khẳng định không thể chấp nhận việc đưa tỷ lệ nội địa của mỗi nước vào một hiệp định chung.

Quan điểm của Mexico nhận được sự ủng hộ của các nhà sản xuất ôtô lớn như Ford, General Motors và Fiat-Chrysler.

Dự kiến, các bên sẽ tiến hành 7 vòng đàm phán, mỗi vòng cách nhau 3 tuần nhằm hướng tới mục tiêu hoàn tất tiến trình này vào đầu năm 2018.

NAFTA là hiệp định thương mại giữa Mexico, Mỹ và Canada, có hiệu lực từ ngày 1/1/1994. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump mô tả hiệp định thương mại này là "thảm họa" và cho rằng đây là nguyên nhân khiến Mỹ mất đi hàng triệu việc làm trong lĩnh vực công nghiệp.

Theo thống kê, trao đổi thương mại giữa 3 quốc gia Bắc Mỹ đạt tăng trưởng cao kể từ khi NAFTA có hiệu lực vào ngày 1/1/1994, với tổng kim ngạch trên 1.300 tỷ USD vào năm 2016./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục