Ngày 24/4, Mexico đã trở thành quốc gia đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Thượng viện nước này trước đó cùng ngày đã thông qua văn kiện với 73 phiếu thuận và 24 phiếu chống.
Phóng viên TTXVN tại Mexico City cho biết việc ký kết CPTPP nằm trong chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng và tìm kiếm các đối tác thương mại mới của Mexico nhằm giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.
Bộ Kinh tế Mexico đánh giá CPTPP sẽ giúp xuất khẩu tăng 6,7% và đóng góp tới 1,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mexico.
Bên cạnh một số thách thức cạnh tranh, nhất là trong các lĩnh vực dệt may, da giầy với Việt Nam và Malaysia, và các sản phẩm sữa với New Zealand, nhiều lĩnh vực xuất khẩu của Mexico được hưởng lợi như ôtô, máy móc thiết bị, thịt bò, thực phẩm chế biến, trái cây và rau quả.
[Phản ứng của Việt Nam về thông tin Mỹ xem xét gia nhập CPTPP]
Trước những quan ngại của các ngành công nghiệp trong nước bởi những yếu tố bất lợi của CPTPP, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo cho biết chính phủ nước này sẽ đưa ra biện pháp tiếp cận hạn ngạch, đồng thời triển khai các chính sách hỗ trợ, kéo dài giai đoạn giảm thuế từ 14 lên 16 năm nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh.
CPTPP được ký kết hôm 8/3 vừa qua tại Chile giữa 11 quốc gia thành viên, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Hiệp định này đã tạo ra một thị trường trên 500 triệu người tiêu dùng và chiếm 13,5% GDP của thế giới. Với CPTPP, Mexico sẽ có các hoạt động thương mại tự do với 52 nước trên thế giới.
Viện Nghiên cứu Kinh tế quốc tế Peterson dự báo thỏa thuận trên sẽ giúp GDP của Mexico tăng thêm 1 điểm phần trăm vào năm 2030./.