Mexico hối thúc Mỹ sớm phê chuẩn Hiệp định NAFTA mới

Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đã hối thúc Mỹ phê chuẩn Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) sau khi Quốc hội nước này thông qua việc cải cách trong lĩnh vực lao động.
Mexico hối thúc Mỹ sớm phê chuẩn Hiệp định NAFTA mới ảnh 1Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 30/4, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đã hối thúc Mỹ phê chuẩn Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) sau khi Quốc hội nước này thông qua việc cải cách trong lĩnh vực lao động.

Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, phát biểu với báo giới, Tổng thống Lopez Obrador khẳng định việc Thượng viện Mexico thông qua cải cách lao động là nhằm tăng cường bảo vệ lợi ích và tăng lương cơ bản với người lao động - điều mà Mỹ và Canada đòi hỏi trong quá trình đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) trước đó, mà hiện là USMCA.

Trong khi đó, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đánh giá cao cải cách "lịch sử" trên của phía Mexico và tuyên bố Chính phủ Mỹ sẽ thảo luận với đối tác Mexico để đảm bảo việc triển khai cải cách trong lĩnh vực này.

NAFTA, có hiệu lực từ năm 1994, đã giúp Mexico trở thành một cường quốc xuất khẩu, phần lớn nhờ các công ty của Mỹ đã chuyển toàn bộ hoặc một phần sản xuất của họ về phía Nam biên giới để tận dụng lợi thế của lao động giá rẻ. Các chuyên gia Mỹ và Canada đã chỉ trích mức lương tối thiểu thấp tại Mexico đã mang lại lợi thế cạnh tranh không công bằng và yêu cầu Mexico phải cải cách trong lĩnh vực lao động.

[Thỏa thuận NAFTA mới giữa Mỹ, Mexico và Canada gặp khó]

Trước đó, ngày 30/11/2018, ba nước Mỹ, Canada và Mexico đã ký USMCA, thay thế NAFTA, với giá trị trao đổi thương mại 1.200 tỷ USD giữa ba nước. Sự kiện này chính thức khép lại gần 14 tháng thương lượng khó khăn nhằm nâng cấp, hiện đại hóa NAFTA.

Tuy nhiên, để chính thức có hiệu lực, USMCA - còn gọi là NAFTA phiên bản 2.0 này - cần được Quốc hội ba nước phê chuẩn. USMCA đã có những thay đổi kỹ thuật căn bản về các quy tắc sản xuất ôtô và xe tải, vấn đề mở cửa thị trường ngành công nghiệp sữa Canada, phạm vi trải rộng của tác quyền và quy tắc giải quyết tranh chấp...

USMCA được coi là một thỏa thuận khép kín, với điều khoản ngăn các bên tham gia đàm phán hiệp định với các quốc gia không phải nền kinh tế thị trường. Trên thực tế, sự ra đời của USMCA là kết quả của lộ trình đàm phán nhọc nhằn giữa ba quốc gia láng giềng Bắc Mỹ nhằm sửa đổi NAFTA cho phù hợp với yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người coi hiệp định gần 25 năm tuổi này là “thảm họa.”

Sau một năm đàm phán căng thẳng, việc ký kết USMCA ngày 30/11 vừa qua đã tránh cho nền kinh tế ba quốc gia Bắc Mỹ một kịch bản thiệt hại được cảnh báo là thảm họa khi NAFTA sụp đổ, với sự suy giảm của dòng chảy kinh tế, xuất khẩu và việc làm.

Sự ra đời của USMCA không chỉ vực dậy lòng tin của thị trường khu vực và toàn cầu, mà còn mang lại hy vọng về một tương lai rõ ràng hơn cho nền kinh tế khu vực Bắc Mỹ.

Với sự nhượng bộ của cả ba nước, USMCA được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới về việc làm và thu nhập cho hơn 570 triệu cư dân sinh sống dưới "mái nhà" Bắc Mỹ thông qua một thị trường tự do hơn, hoạt động thương mại công bằng hơn và sức tăng trưởng kinh tế mạnh hơn. Đàm phán thành công cũng nâng cao sức cạnh tranh của các nền kinh tế Bắc Mỹ trước các đối thủ châu Á và châu Âu, đặc biệt là trong ngành công nghiệp ôtô./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục