Trước sức ép điều chỉnh Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) từ chính quyền Tổng thống Donald Trump, Mexico khẳng định quốc gia Bắc Trung Mỹ này sẽ chỉ ở lại NAFTA một khi tổ chức thương mại ba bên này tôn trọng các lợi ích của Mexico.
Phát biểu trước Thượng viện Mexico ngày 28/2, Ngoại trưởng nước này, ông Luis Videgaray cho rằng NAFTA không phải là "vật làm tin," mà đơn thuần chỉ là công cụ tạo ra việc làm cho người dân, do vậy Mexico sẽ chỉ tham gia NAFTA nếu như thỏa thuận này có lợi cho Mexico.
Ông cũng nhấn mạnh trong tiến trình tái đàm phán NAFTA, quốc gia Bắc Trung Mỹ này sẽ không chấp nhận những thay đổi về thuế, cụ thể là việc tăng thuế 20% đối với các mặt hàng xuất khẩu từ Mexico như tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump, hay những điều chỉnh không có lợi cho nền kinh tế nước này.
Ông Videgray còn nhấn mạnh chủ trương đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại của chính quyền Tổng thống Enrique Pena Nieto thông qua các thỏa thuận song phương với các nước trên thế giới, trước mắt là với Hàn Quốc và Trung Quốc.
Cùng quan điểm với Ngoại trưởng Videgaray, cùng ngày Chủ tịch Liên hiệp phòng công nghiệp Mexico Manuel Herrera cho hay nước này hoàn toàn có những công cụ pháp lý và chiến lược, do vậy mọi tiến trình đối thoại về thỏa thuận thương mại tự do cũng phải đảm bảo sự bình đẳng, đảm bảo vị thế, lòng tự trọng của Mexco.
Trong một cuộc họp báo, ông Herrera khẳng định lập trường của Mexico là cần phải được tôn trọng và đây cũng là điều kiện để chính phủ nước này đồng ý đối thoại lại với Canada và Mỹ về NAFTA.
Những tuyên bố trên được đưa ra sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly tới Mexico nhằm trấn an quốc gia láng giềng, sau khi những điều chỉnh trong chính sách nhập cư và thương mại mới của Mỹ vấp phải sự bất bình từ phía Mexico.
Đối với NAFTA, ông Trump đã đe dọa rút Mỹ khỏi thỏa thuận thương mại 3 bên này với lý do một số điều khoản trong thỏa thuận đã lỗi thời và không có lợi cho nước Mỹ.
Mexico đã cảnh báo có các biện pháp đáp trả nếu Mỹ áp thuế nhập khảu 20% đối với hàng hóa của Mexico để lấy kinh phí xây bức tường dọc biên giới giữa hai nước.
NAFTA có hiệu lực từ năm 1994. Theo nguyên tắc của NAFTA, một quốc gia thành viên bất kỳ có thể rút khỏi hiệp định này chỉ đơn giản bằng cách thông báo cho các thành viên còn lại.
Việc thông báo sẽ kích hoạt quá trình 180 ngày cho phép các thành viên có những cuộc đàm phán mới về thỏa thuận. Nếu không có thỏa thuận mới nào đạt được, hiệp định này sẽ không còn hiệu lực./.