Theo kiểm tra sơ bộ của Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, ít nhất 24 doanh nghiệp, đại lý càphê trên địa bàn tỉnh đóng cửa do vỡ nợ hoặc xù nợ của dân.
Gần 2.000 tấn càphê “bốc hơi”
Trước “cơn lốc” vỡ nợ, xù nợ” của các doanh nghiệp, đại lý thu mua nông sản có hoạt động liên quan đến kinh doanh ký gửi càphê gần đây trên địa bàn, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra hoạt động ký gửi càphê trên địa bàn tỉnh này.
Kết quả cho thấy có 24 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp dân doanh, và đại lý mua bán nông sản đóng cửa, ngừng hoạt động kinh doanh do vỡ nợ, hoặc có dấu hiệu xù nợ, trong đó đã xác định được 14 doanh nghiệp, đại lý nhận ký gửi càphê hoặc vay tiền của nông dân còn nợ tổng cộng gần 1.800 tấn càphê (trị giá gần 50 tỷ đồng) và 37 tỷ đồng tiền mặt.
Đây cũng chỉ là con số kiểm tra ban đầu, còn thực tế giá trị kinh tế của các vụ vỡ nợ còn lớn hơn nhiều.
Ngoài ra, còn 10 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh càphê khác đang phải đóng cửa, không có khả năng chi trả cho người ký gửi càphê.
Số càphê, tiền mà các doanh nghiệp, đại lý này không có khả năng thanh toán cũng rất lớn. Tình trạng vỡ nợ càphê ở Đắk Lắk hiện đang có dấu hiệu kiểu “hiệu ứng dây chuyền." Nhiều vùng quê vốn thanh bình giờ trở nên náo loạn.
Báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk về kết quả kiểm tra hoạt động kinh doanh nhận ký gửi càphê của các doanh nghiệp, đại lý thu mua trên địa bàn cho biết do công tác quản lý của các cơ quan Nhà nước, các cấp chính quyền bị buông lỏng nên đa số các đơn vị không chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh.
Cụ thể, chứng từ ghi chép ban đầu không đảm bảo theo quy định hoặc làm trái quy định của Nhà nước. Nhiều đơn vị đã lợi dụng sự sơ hở này để lừa đảo, giật nợ.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những nhận định khá chung chung, còn thực tế hiện nay việc ký gửi càphê cũng như việc các doanh nghiệp, đại lý càphê ở Đắk Lắk tuyên bố vỡ nợ đang như “mê hồn trận.”
Vỡ nợ-thật ảo khó lường
Thực tế cho thấy nhiều đại lý càphê sử dụng hình thức ký gửi càphê để thực hiện mục đích huy động vốn là chính.
Trong số nạn nhân của các vụ vỡ nợ, giật nợ gần đây ở Đắk Lắk, nhiều người không có càphê ký gửi mà giao tiền cho các doanh nghiệp, đại lý để quy đổi thành càphê, sau đó họ vừa hưởng lãi suất (thông thường là hơn 2%/tháng) và chờ giá càphê lên cao thì chốt bán để hưởng chênh lệch. Đây có lẽ cũng là cách giăng mồi của các doanh nghiệp làm ăn bất chính để sau khi đã “kiếm đủ” thì tuyên bố vỡ nợ để xù nợ.
Điển hình như vụ Nguyễn Duy Nhâm - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên An Tiến, xã Ea Đa, huyện Ea Kar mới đây đã ôm gần 200 tấn càphê và khoảng 5 tỷ đồng bỏ trốn.
Thực chất việc ký gửi càphê ở Đắk Lắk chủ yếu là vỏ bọc để các doanh nghiệp, đại lý huy động vốn. Hầu hết các đơn vị này nhận càphê, tiền ký gửi quy đổi thành càphê của người dân để sử dụng vào mục đích khác.
Nhiều chủ doanh nghiệp càphê thừa nhận rằng hầu hết các đại lý sau khi nhận càphê ký gửi của người dân thì họ thường bán đi để lấy tiền kinh doanh vào việc khác.
Nếu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thất bại thì nạn nhân chính là những người ký gửi càphê cho doanh nghiệp.
Vụ vỡ nợ đại lý càphê Tám Loan (xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ) là một điển hình cho kiểu huy động vốn thông qua hình thức ký gửi càphê.
Đại lý này đã nhận ký gửi gần 200 tấn càphê cùng 12 tỷ đồng tiền mặt của người dân trong vùng rồi tuyên bố vỡ nợ. Nguyên nhân vỡ nợ được chủ đại lý đưa ra là toàn bộ càphê và tiền người dân ký gửi đã được cho một người khác vay, hiện tại họ làm ăn thua lỗ nên không có khả năng chi trả.
Theo một điều tra viên của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk, hiện việc xác định các chủ doanh nghiệp, đại lý vỡ nợ càphê có dấu hiệu phạm tội lừa đảo là rất khó. Chỉ khi nào các ông, bà chủ này bỏ trốn thì mới có cơ sở để khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Việc tìm chứng cứ chứng minh các chủ doanh nghiệp, đại lý này tẩu tán tài sản rất khó thực hiện. Lợi dụng vào điều này, nhiều chủ doanh nghiệp, đại lý sau khi huy động được một khoản tiền lớn thì tuyên bố vỡ nợ./.
Gần 2.000 tấn càphê “bốc hơi”
Trước “cơn lốc” vỡ nợ, xù nợ” của các doanh nghiệp, đại lý thu mua nông sản có hoạt động liên quan đến kinh doanh ký gửi càphê gần đây trên địa bàn, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra hoạt động ký gửi càphê trên địa bàn tỉnh này.
Kết quả cho thấy có 24 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp dân doanh, và đại lý mua bán nông sản đóng cửa, ngừng hoạt động kinh doanh do vỡ nợ, hoặc có dấu hiệu xù nợ, trong đó đã xác định được 14 doanh nghiệp, đại lý nhận ký gửi càphê hoặc vay tiền của nông dân còn nợ tổng cộng gần 1.800 tấn càphê (trị giá gần 50 tỷ đồng) và 37 tỷ đồng tiền mặt.
Đây cũng chỉ là con số kiểm tra ban đầu, còn thực tế giá trị kinh tế của các vụ vỡ nợ còn lớn hơn nhiều.
Ngoài ra, còn 10 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh càphê khác đang phải đóng cửa, không có khả năng chi trả cho người ký gửi càphê.
Số càphê, tiền mà các doanh nghiệp, đại lý này không có khả năng thanh toán cũng rất lớn. Tình trạng vỡ nợ càphê ở Đắk Lắk hiện đang có dấu hiệu kiểu “hiệu ứng dây chuyền." Nhiều vùng quê vốn thanh bình giờ trở nên náo loạn.
Báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk về kết quả kiểm tra hoạt động kinh doanh nhận ký gửi càphê của các doanh nghiệp, đại lý thu mua trên địa bàn cho biết do công tác quản lý của các cơ quan Nhà nước, các cấp chính quyền bị buông lỏng nên đa số các đơn vị không chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh.
Cụ thể, chứng từ ghi chép ban đầu không đảm bảo theo quy định hoặc làm trái quy định của Nhà nước. Nhiều đơn vị đã lợi dụng sự sơ hở này để lừa đảo, giật nợ.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những nhận định khá chung chung, còn thực tế hiện nay việc ký gửi càphê cũng như việc các doanh nghiệp, đại lý càphê ở Đắk Lắk tuyên bố vỡ nợ đang như “mê hồn trận.”
Vỡ nợ-thật ảo khó lường
Thực tế cho thấy nhiều đại lý càphê sử dụng hình thức ký gửi càphê để thực hiện mục đích huy động vốn là chính.
Trong số nạn nhân của các vụ vỡ nợ, giật nợ gần đây ở Đắk Lắk, nhiều người không có càphê ký gửi mà giao tiền cho các doanh nghiệp, đại lý để quy đổi thành càphê, sau đó họ vừa hưởng lãi suất (thông thường là hơn 2%/tháng) và chờ giá càphê lên cao thì chốt bán để hưởng chênh lệch. Đây có lẽ cũng là cách giăng mồi của các doanh nghiệp làm ăn bất chính để sau khi đã “kiếm đủ” thì tuyên bố vỡ nợ để xù nợ.
Điển hình như vụ Nguyễn Duy Nhâm - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên An Tiến, xã Ea Đa, huyện Ea Kar mới đây đã ôm gần 200 tấn càphê và khoảng 5 tỷ đồng bỏ trốn.
Thực chất việc ký gửi càphê ở Đắk Lắk chủ yếu là vỏ bọc để các doanh nghiệp, đại lý huy động vốn. Hầu hết các đơn vị này nhận càphê, tiền ký gửi quy đổi thành càphê của người dân để sử dụng vào mục đích khác.
Nhiều chủ doanh nghiệp càphê thừa nhận rằng hầu hết các đại lý sau khi nhận càphê ký gửi của người dân thì họ thường bán đi để lấy tiền kinh doanh vào việc khác.
Nếu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thất bại thì nạn nhân chính là những người ký gửi càphê cho doanh nghiệp.
Vụ vỡ nợ đại lý càphê Tám Loan (xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ) là một điển hình cho kiểu huy động vốn thông qua hình thức ký gửi càphê.
Đại lý này đã nhận ký gửi gần 200 tấn càphê cùng 12 tỷ đồng tiền mặt của người dân trong vùng rồi tuyên bố vỡ nợ. Nguyên nhân vỡ nợ được chủ đại lý đưa ra là toàn bộ càphê và tiền người dân ký gửi đã được cho một người khác vay, hiện tại họ làm ăn thua lỗ nên không có khả năng chi trả.
Theo một điều tra viên của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk, hiện việc xác định các chủ doanh nghiệp, đại lý vỡ nợ càphê có dấu hiệu phạm tội lừa đảo là rất khó. Chỉ khi nào các ông, bà chủ này bỏ trốn thì mới có cơ sở để khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Việc tìm chứng cứ chứng minh các chủ doanh nghiệp, đại lý này tẩu tán tài sản rất khó thực hiện. Lợi dụng vào điều này, nhiều chủ doanh nghiệp, đại lý sau khi huy động được một khoản tiền lớn thì tuyên bố vỡ nợ./.
Việt Dũng (Vietnam+)