Chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh của Mỹ McDonald's đang bán các cửa hàng của mình tại Nga cho một trong những đơn vị được cấp phép hiện nay tại địa phương, mà có thể sẽ đổi tên các cửa hàng này thành một tên mới, đặt dấu chấm hết đối với hoạt động hơn 30 năm tại nước này của McDonald's.
Chuỗi cửa hàng bánh mì kẹp thịt lớn nhất thế giới sở hữu 84% trong tổng số gần 850 nhà hàng ở Nga. McDonald's, có trụ sở tại Chicago (Mỹ), đã trở thành một trong những thương hiệu toàn cầu lớn nhất rút khỏi Nga sau xung đột xảy ra từ ngày 24/2. McDonald's cho biết hãng sẽ giữ lại các nhãn hiệu của mình.
Trong tháng 3/2022, McDonald's đã tạm thời đóng cửa các nhà hàng của mình ở Nga, bao gồm cả địa điểm đầu tiên ở Quảng trường Pushkin.
Các nhà hàng McDonald ở Nga sẽ được bán cho Alexander Govor, nhà điều hành hoạt động nhượng quyền thương mại thông qua công ty GiD LLC. Govor là người được cấp phép của McDonald's từ năm 2015 và đã giúp chuỗi cửa hàng này mở rộng sang vùng Siberia xa xôi, nơi ông điều hành 25 nhà hàng.
[Nga đạt thỏa thuận quốc hữu hóa tài sản của công ty Renault]
McDonald's và GiD từ chối tiết lộ các điều khoản tài chính của thỏa thuận này. McDonald's cho biết chuỗi cửa hàng này sẽ phải trả khoản phí không dùng tiền mặt lên tới 1,4 tỷ USD sau khi bán.
McDonald's cho biết Govor sẽ vẫn giữ đội ngũ nhân viên hiện nay trong ít nhất hai năm với các điều khoản tương đương và sẽ trả lương cho nhân viên tại 45 khu vực của Nga cho đến khi kết thúc thương vụ, dự kiến sẽ diễn ra trong vài tuần tới.
Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Nga Denis Manturov cho biết thỏa thuận này diễn ra sau một quá trình đàm phán "lâu dài và khó khăn" và chính phủ sẽ cung cấp cho ông Govor tất cả những hỗ trợ cần thiết để thiết lập hoạt động.
Trước đó, truyền thông địa phương cho biết một trong những nhà nhượng quyền lớn nhất của McDonald's ở Nga là SPP đã được nêu tên là một khách hàng tiềm năng. Chủ sở hữu của SPP là Kairat Boranbayev, hiện điều hành một cửa hàng nhượng quyền của McDonald ở Kazakhstan và Belarus. Hiện SPP chưa có bình luận về thông tin mà hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) đưa ra.
Một số thương hiệu phương Tây khác, trong đó có Imperial Brands và Shell, cũng đã đồng ý bán tài sản tại Nga hoặc giao chúng cho các nhà quản lý địa phương./.