Máy xới cải tiến - nông cụ hiệu quả được nhiều người lựa chọn

Chiếc máy xới được cải tiến nhỏ gọn, dễ di chuyển trên đồng ruộng lầy lội, làm đất trồng tơi xốp hơn, giá thành rẻ được nhiều nông dân ưa chuộng.

Chiếc máy xới được cải tiến nhỏ gọn, dễ di chuyển trên đồng ruộng lầy lội, làm đất trồng tơi xốp hơn, giá thành rẻ so với máy hiện có trên thị trường được nhiều nông dân ở Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng và một số hộ nuôi tôm ở Kiên Giang lựa chọn từ nhiều năm nay.

Chiếc máy này là sản phẩm do ông Đỗ Tấn Bảy (thành phố Vị Thanh, Hậu Giang) chế tạo.

Năm 1980, ông Đỗ Tấn Bảy làm việc tại xưởng cơ khí nông nghiệp ở địa phương cho đến khi xưởng giải thể vào năm 1993.

Sau thời gian làm tại xưởng, ông đã tích lũy được kiến thức về chế tạo các loại máy móc phục vụ nông nghiệp. Sau đó, ông tự mở xưởng cơ khí của riêng mình tại thành phố Vị Thanh, chuyên sản xuất các máy móc nông cụ, chủ yếu là máy suốt lúa.

Khi nhiều loại máy gặt đập liên hợp có mặt trên thị trường, giúp cho việc gặt lúa diễn ra nhanh, tiết kiệm hơn, máy suốt lúa do xưởng cơ khí của ông Bảy sản xuất khó cạnh tranh. Trước thực tế đó, từ năm 2007, xưởng cơ khí của ông Bảy chuyển sang sản xuất máy xới.

Để tiết kiệm chi phí cho nông dân, ông nghĩ ra phương pháp cải tiến máy xới đang có sẵn trên thị trường.

Theo ông Đỗ Tấn Bảy, máy xới có sẵn trên thị trường là máy loại bốn bánh, nặng từ 3-4 tấn, do đó ông đã cải tiến khung sườn máy cho gọn nhẹ để khi hoàn thành máy chỉ nặng trên dưới 1 tấn. Trọng lượng nhẹ cũng giúp máy ít gây lún và dễ di chuyển trên đất ruộng mềm.

Khác với cách đặt bông xới phía trước, bánh lồng phía sau như kiểu máy có sẵn, ông Bảy thiết kế cho bánh lồng nằm phía trước, bông xới nằm phía sau, khi hoạt động, bông xới sẽ xới đất trước. Khi máy quay đầu lại, bông xới tiếp tục xới hàng tiếp theo, lúc này bánh lồng làm tơi đất ở hàng đã xới trước đó. Cách làm này giúp đất tơi xốp, nhuyễn hơn, cây lúa dễ bám rễ cũng như hấp thụ tốt chất dinh dưỡng. Do đó, máy xới này được nhiều nông dân ưa chuộng.

Bên cạnh đó, bông xới cũng được ông Bảy thiết kế có nhiều răng dày hơn, làm đất được xới nhỏ; gai sắt trong bánh lồng được đặt xéo giúp cho việc trục đất hiệu quả và tơi nhỏ hơn...

Ông Đỗ Tấn Bảy cho biết máy xới cải tiến do xưởng cơ khí của ông sản xuất có giá từ 60-90 triệu đồng tùy vào loại máy kéo theo nhu cầu của khách hàng, rẻ hơn so với máy trên thị trường có giá 300-400 triệu đồng. Mỗi tháng xưởng cơ khí của ông sản xuất trên 10 máy theo đơn đặt hàng của nông dân các tỉnh trong khu vực. Công suất máy hiện nay là 40.000 m2/ngày, đảm bảo cho máy hoạt động hiệu quả trong thời gian dài.

"Tôi đang nghĩ cách để chế tạo cho máy có thêm một bánh bừa, như vậy quá trình làm đất sẽ thêm tơi xốp, hiệu quả hơn cho cây lúa phát triển," ông Đỗ Tấn Bảy cho biết thêm.

Với hiệu quả của máy xới cải tiến do xưởng cơ khí của ông Bảy sản xuất đối với nông nghiệp, năm 2015, Trung tâm Khuyến công tỉnh Hậu Giang đã hỗ trợ 80 triệu đồng mua máy phay, máy sọc có xuất xứ từ Nhật Bản để việc gia công các chi tiết của máy xới cải tiến được nhanh, chính xác và đạt chất lượng hơn.

Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh Hậu Giang Hồ Ngọc Thái cho biết với sự hỗ trợ một phần kinh phí mua các máy gia công chi tiết của máy xới cải tiến, số lượng sản phẩm do xưởng cơ khí của ông Đỗ Tấn Bảy sản xuất tăng thêm khoảng 5 chiếc mỗi tháng, doanh thu từ 1,4 tỷ đồng/năm tăng lên 1,8 tỷ đồng/năm.

Máy xới cải tiến là một trong những sản phẩm đạt giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Hậu Giang năm 2015, được tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2016./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục