Một chiếc máy bay của hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã gặp sự cố xịt lốp sau khi hạ cánh và vào vị trí đường lăn sân bay Nội Bài an toàn.
Chiếc máy bay Airbus A350 mang số hiệu A350/VN-A896 của Vietnam Airlines được nhân viên kỹ thuật phát hiện lốp bị xịt trong ngày 26/10 sau khi lăn vào vị trí đỗ.
['Giao 4.200 tỷ đồng sửa đường băng sân bay là không phù hợp quy định']
Trước đó, một trong những chiếc máy bay hiện đại nhất trong đội tàu bay quốc gia này đã thực hiện chuyến bay VN531 từ sân bay quốc tế phố Đông (Thượng Hải-Trung Quốc) về Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài.
Nguyên nhân ban đầu được xác định do hệ thống phanh bị trục trặc khiến lốp máy bay bị mài trên mặt đường trong quá trình lăn, gây xịt lốp.
Ngay sau đó, các đơn vị đã phối hợp với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài rà soát lại toàn bộ đường băng, đường lăn sân đỗ theo đúng lộ trình lăn của tàu bay nhưng không phát hiện bất thường.
Sự việc khiến chuyến bay tiếp theo của hãng này từ Nội Bài đi sân bay quốc tế Incheon (Hàn Quốc) bị chậm hơn 5 tiếng so với kế hoạch. Tuy nhiên, toàn bộ hành khách trên chuyến bay tiếp theo đã được hãng phục vụ theo đúng quy định.
Theo ông Nguyễn Huy Dương, Phó Giám đốc Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, dự kiến năm 2018, Cảng sẽ phục vụ 26,1 triệu lượt khách, như vậy sẽ vượt qua công suất thiết kế của nhà ga nội địa (dự kiến năm 2020 là 30 triệu hành khách/năm).
Cũng chính vì khai thác vượt quá công suất, theo ông Dương, hệ thống đường cất hạ cánh xuống cấp, trung bình là 480 chuyến/ngày. Vào dịp cao điểm dịp lễ Tết, đường cất hạ cánh của sân bay Nội Bài “cõng” gần 600 chuyến/ngày.
Theo đó, đường 11R/29L(1B) Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và hệ thống đường lăn được thiết kế với kết cấu mặt đường bê tông xi măng, đảm bảo khai thác tàu bay B747-400 hoặc tương đương nhưng thực tế Cảng hàng không quốc tế Nội Bài hiện đang khai thác các chủng loại tàu bay có tải trọng và áp suất bánh hơi (A350-900, B787-9) lớn hơn so với máy bay tính toán thiết kế ban đầu.
Hiện nay, sân bay Nội Bài vẫn tiếp tục khai thác vượt tải 2 đường cất hạ cánh nêu trên với số lần trùng phục tích lũy ngày càng lớn vượt xa thiết kế ban đầu dẫn đến tình trạng xuống cấp mặt đường ngày càng trầm trọng.
“Việc khai thác vượt tải và vượt tần suất thiết kế đẫn đến xuất hiện hư hỏng và mặt đường xuống cấp nghiêm trọng, thường xuyên bị bong bật, nứt vỡ. Tại một số vị trí trên đường cất hạ cánh 11R/29L(1B) và đường lăn của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài có hiện tượng phùi bùn đặc biệt vào mùa mưa,” lãnh đạo Cảng hàng không này cho hay.
[Sân bay Nội Bài có nguy cơ 'vỡ trận' nếu không làm quy hoạch sớm?]
Ông Dương cũng thừa nhận, nếu hiện trạng này không sớm được cải tạo, nâng cấp mà vẫn tiếp tục duy trì khai thác sẽ tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp trực tiếp đến an toàn bay mặc dù hàng ngày cán bộ, công nhân viên sân bay Nội Bài kiểm tra 4-5 lần để đánh giá khai thác, nếu thấy hiện tượng hư hỏng, rạn nứt sẽ khắc phục ngay.
Chỉ ra quá trình chậm trễ sửa chữa đường cất hạ cánh sân bay Nội Bài, ông Dương lý giải, sau khi cổ phần hóa Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) không được giao quản lý tài sản khu bay (đường cất hạ cánh) mà kết cấu hạ tầng là của Nhà nước.
“Vì thế, đường cất hạ cánh bị hỏng hay xuống cấp phía Cảng hàng không Nội Bài không tự nhiên bỏ tiền ra làm được vì như thế là sai luật, mà phải dùng tiền ngân sách Nhà nước lấy từ nguồn thu khu bay để tái đầu tư,” ông Dương nói.
Theo ông Dương, trong bối cảnh nguồn vốn Nhà nước đang gặp khó khăn, ACV đã có đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép đơn vị sử dụng nguồn thu từ hoạt động khu bay và ứng quỹ đầu tư phát triển của ACV để lập kế hoạch, phương án sửa chữa, cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh này./.