Máy bay năng lượng Mặt Trời Solar Impulse 2 kết thúc bay thử

Solar Impulse 2 đã kết thúc thành công chuyến bay thử đầu tiên, vượt qua trở ngại lớn nhất để hướng tới mục tiêu thực hiện chuyến bay vòng quanh thế giới vào năm 2015.
Máy bay năng lượng Mặt Trời Solar Impulse 2 kết thúc bay thử ảnh 1Máy bay chạy bằng năng lượng Mặt Trời Solar Impulse 2 tại căn cứ ở Thụy Sỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 2/6, máy bay chạy bằng năng lượng Mặt Trời Solar Impulse 2 đã kết thúc thành công chuyến bay thử đầu tiên, vượt qua trở ngại lớn nhất để hướng tới mục tiêu thực hiện chuyến bay vòng quanh thế giới vào năm 2015.

Phát biểu trước báo giới tại một căn cứ không quân ở Payenrne (Thụy Sĩ), phi công người Đức Markus Scherdel thực hiện chuyến bay cho biết chuyến bay kéo dài 2 giờ 15 phút, lâu hơn dự kiến 30 phút. Mọi hoạt động diễn ra đúng dự định. Scherdel cũng cho biết Solar Impulse 2 còn phải được bay thử thêm, nhưng đây là một sự khởi đầu tốt đẹp.

Solar Impulse 2 được sản xuất bằng sợi carbon, nặng 2,3 tấn với 4 động cơ 17,5 mã lực được cấp điện nhờ 17.248 tấm pin Mặt Trời.

Các tấm pin này được lắp vào thân và sải cánh máy bay, dài tới 72m, tương đương sải cánh máy bay Airbus A380. Mục tiêu dành cho Solar Impulse 2 là bay không ngừng trong hơn 120 giờ (tương đương 5 ngày và 5 đêm), vượt qua Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.

"Tiền thân" của Solar Impulse 2 là Solar Impulse, chiếc máy bay đạt kỷ lục thực hiện chuyến bay dài 26 giờ hồi năm 2010. Điều này cho thấy pin trong máy bay có thể nạp đủ nhiên liệu vào ban ngày để dùng vào ban đêm.

Năm ngoái, Solar Impulse cũng đã bay qua châu Âu, qua Địa Trung Hải đến Marocco và vượt qua Mỹ mà không cần sử dụng nhiên liệu hóa thạch nào.

Chuyến bay vòng quanh thế giới của Solar Impulse 2 vào tháng 3/2015 sẽ bắt đầu từ vùng Vịnh để tận dụng điều kiện mây thấp ở Trung Đông và sẽ có vài chặng dừng chân. Máy bay sẽ vượt qua Biển Arab để đến Ấn Độ, Myanmar và Trung Quốc.

Tiếp đó, máy bay sẽ vượt Thái Bình Dương, bay qua nước Mỹ, Đại Tây Dương, Nam Âu và cuối cùng là Bắc Phi trước khi trở về điểm xuất phát.

Tốc độ ban đêm của máy bay là 46km/h nhằm tránh pin cạn quá nhanh. Phi công có thể chợp mắt trên ghế "hạng thương gia" do có "người đồng hành" là thiết bị đánh thức và báo cáo bất kỳ trục trặc nào đến bộ phận kiểm soát chuyến bay đặt tại Thụy Sĩ.

Chủ dự án phát triển máy bay sử dụng năng lượng Mặt Trời là Bertrand Piccard, người đầu tiên bay quanh thế giới bằng khinh khí cầu khí nóng, và Andre Borschberg, nguyên là một phi công trong lực lượng không quân Thụy Sĩ.

Hai ông cho rằng pin năng lượng Mặt Trời kết hợp cùng vật liệu siêu nhẹ có thể biến máy bay sử dụng năng lượng Mặt Trời thành hiện thực./

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục