Máu và hoa: Hiểu thêm về 12 ngày đêm quật khởi của Thủ đô trước B52 Mỹ

Triển lãm giúp cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu thêm về cuộc sống của người Hà Nội trong những tháng ngày khói lửa, một Hà Nội kiên cường, lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi của chính nghĩa.
Trưng bày giới thiệu nhiều tài liệu, hình ảnh về cuộc sống và cuộc chiến đấu của quân dân Thủ đô trong 12 ngày đêm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ngày 16/12, trưng bày chuyên đề “Máu và hoa-Hà Nội 12 ngày đêm” đã chính thức khai mạc tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Triển lãm giới thiệu nhiều tài liệu, hình ảnh, hiện vật kể về cuộc sống sinh hoạt, lao động trong chiến tranh, về tinh thần chiến đấu và phục vụ chiến đấu của quân và dân Hà Nội trong 12 ngày đêm khói lửa cuối năm 1972.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc bảo tàng cho hay cuộc trưng bày nhằm giúp công chúng hiểu sâu sắc hơn sự khốc liệt của cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của đế quốc Mỹ. Qua đó, trưng bày làm nổi bật giá trị của niềm tin, sự đoàn kết quân dân một lòng quyết tâm vượt lên những đau thương, mất mát, sự đổ máu, hy sinh làm nên đài hoa chiến thắng để có được Thủ đô Hà Nội - thành phố vì hòa bình hôm nay.

[Tiếp nhận nhiều hiện vật lịch sử từ Mỹ nhân ngày Di sản Văn hóa VN]

Tại triển lãm, khách tham quan có thể tìm hiểu về cuộc sống, không khí chiến đấu, phục vụ chiến đấu qua những ký ức của người Hà Nội; những thắng lợi của quân và dân Hà Nội trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, diện mạo phát triển của Thủ đô sau 50 năm cũng như quan hệ ngoại giao, hợp tác Việt-Mỹ trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế.

“Triển lãm giúp cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu thêm về cuộc sống của người Hà Nội trong những tháng ngày khói lửa, một Hà Nội kiên cường, lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến tranh chính nghĩa... Đây cũng là dịp tuyên truyền cho thế hệ trẻ hôm nay thêm tự hào về truyền thống cách mạng, quyết tâm học tập, rèn luyện để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam,” tiến sỹ Nguyễn Văn Đoàn nhận định.

Cựu phóng viên chiến trường Nguyễn Xuân Mai tham quan triển lãm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Một trong những nhân chứng lịch sử có mặt tại lễ khai mạc là ông Nguyễn Xuân Mai, sinh năm 1935, phóng viên Báo Phòng không-Không quân.

Ông đã hiến tặng cho bảo tàng bức ảnh chụp Bác Hồ thăm trận địa pháo cao xạ ở sân bay Bạch Mai ngày 19/7/1965. Đó là lần đầu tiên trong đời phóng viên, ông chụp ảnh Bác Hồ.

“Tôi chụp 2 tấm ảnh đầu tiên khi Bác đứng cạnh xe bọc thép, trời vẫn còn mờ mờ, chưa sáng hẳn. Ba tấm sau chụp khi Bác nói chuyện với khẩu đội pháo. Hết phim. Tôi lánh ra một chỗ thay cuộn phim mới. Cuống quá, tôi cứ lắp sai cách, lên phim cứ thấy tuột đi... người tôi run bắn, trán ướt đẫm mồ hôi... Tôi cố hít thở thật sâu, tháo ra, lắp cuộn phim dự phòng thứ hai vào. Lần này ổn! Tôi chụp được mấy tấm khi Bác Hồ nói chuyện với bộ đội ngay giữa trận địa pháo,” ông Nguyễn Xuân Mai kể.

Bức ảnh chụp Bác Hồ của cựu phóng viên Nguyễn Xuân Mai.

Trưng bày gồm 3 phần: “Tầm nhìn chiến lược,” “Hà Nội 12 ngày đêm-Máu và hoa” và “Hoa chiến thắng,” mở cửa đến hết tháng 4/2023 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội./.

Cách đây tròn 50 năm, liên tục trong 12 ngày đêm (từ 18/12-30/12/1972), đế quốc Mỹ đã thực hiện cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng với những “Pháo đài bay B-52” cùng hàng trăm máy bay khác ném bom rải thảm xuống thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và các mục tiêu khác ở miền Bắc Việt Nam.

Với tinh thần bất khuất, chiến đấu quật cường của quân và dân ta, chỉ trong 12 ngày đêm ấy, lần đầu tiên trong lịch sử "siêu pháo đài bay B52” thất trận và không quân Mỹ phải chịu thiệt hại nặng nề: Quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F111 và 42 máy bay chiến thuật khác, bắt 43 phi công Mỹ (có 33 phi công B-52) làm nên chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không,” buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo ra bước ngoặt lịch sử cho cách mạng Việt Nam, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

Một số hình ảnh trong triển lãm:

Khách tham quan có thể tìm hiểu về cuộc sống, không khí chiến đấu, phục vụ chiến đấu qua những ký ức của người Hà Nội. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Băng đạn 14,5 mm bắn rơi máy bay F4 Mỹ của đơn vị trực chiến Nhà máy Phân lân Văn Điển 1972. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Mảnh xác máy bay B52. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Triển lãm giới thiệu nhiều hiện vật, tư liệu, hình ảnh. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Các hiện vật liên quan đến cuộc đàm phán tại Paris năm 1973. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục