Mâu thuẫn trong ngân sách: Tăng thu nhưng bội chi đứng yên?

Ngân sách hầu như không có nguồn để trả nợ mà phải đảo nợ, tức là đi vay để trả. Bội chi theo báo cáo vài năm nay hạ nhanh nhưng thực tế liệu có “thần kỳ” tới mức như vậy?
Mâu thuẫn trong ngân sách: Tăng thu nhưng bội chi đứng yên? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngân sách hầu như không có nguồn để trả nợ mà phải đảo nợ, tức là đi vay để trả. Bội chi theo báo cáo vài năm nay hạ nhanh nhưng thực tế liệu có “thần kỳ” tới mức như vậy?

Đó là những vấn đề được giới chuyên gia nêu lên trong tọa đàm "Góc nhìn chuyên gia về dự thảo dự toán ngân sách nhà nước 2019" tổ chức ngày 29/10.

Cẩn trọng khi đọc con số

Theo báo cáo vừa Bộ Tài chính công bố, dự toán chi ngân sách năm 2019 là 1,633 triệu tỷ đồng, trong đó chi thường xuyên là trên 1,042 triệu tỷ đồng, tức là khoảng 63,8% tổng chi.

Tỷ lệ chi thường xuyên trên đã giảm so với những năm trước nhưng chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh vẫn tỏ ra lo lắng bởi theo ông, bộ máy hiện vẫn cồng kềnh và nhiều khoản chi quá sức chịu đựng nền kinh tế.

[Thu ngân sách: Vượt dự toán nhưng ‘dựa dẫm’ vào đất và dầu thô?]

Ông lấy ví dụ việc nhiều nước quy định khắt khe việc lãnh đạo đi công tác bằng máy bay chỉ được mua hạng thương gia nếu thời gian bay khoảng 5-7 tiếng. Tuy nhiên, với Việt Nam, theo quy định, lãnh đạo từ cấp thứ trưởng sẽ được đi hạng thương gia, cho dù đó là bay từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh.

Vị này nhấn mạnh cần xem xét lại một cách nghiêm túc các tiêu chuẩn để phù hợp hơn với thông lệ quốc tế và sức chịu đựng nền kinh tế.

Ông nhìn nhận, tình hình ngân sách thực tế vẫn căng thẳng và Việt Nam cần thực hiện cải cách mạnh hơn nữa.

Cũng về các khoản chi, chuyên gia kinh tế Vũ Sỹ Cường đánh giá, hàng năm, ngân sách vẫn phải trả khoản nợ gốc không nhỏ nhưng ngân sách vẫn chưa có tích lũy để trả nợ. Bởi vậy, biện pháp nước ta vẫn dùng là đảo nợ, tức là vay để trả.

Riêng về bội chi, ông Vũ Sỹ Cường nhắc tới câu chuyện, trước đây mức bội chi có thể lên tới 5-6%GDP nhưng hiện chỉ khoảng 3,6%GDP. Việc hạ bội chi nhanh như trên theo ông không phải “điều thần kỳ” mà đó là do cách tính khác.

“Luật cũ ta tính cả nợ gốc trong bội chi nhưng luật mới ta không tính trả nợ gốc vào. Ta không thần kỳ quá khi hạ bội chi nhanh. Nên cẩn trọng khi đọc con số,” ông cảnh báo.

Ông Phạm Đình Cường, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính lý giải rõ hơn. Ông chỉ ra sự mâu thuẫn trong điều hành là cứ tăng thu bao nhiêu thì lại tăng chi bấy nhiêu.

“Lẽ ra theo Luật Ngân sách Nhà nước, nếu có tăng thu thì giảm bội chi nhưng thực tế ta lại không giảm,” ông Cường nêu lên.

Người Việt gánh thuế, phí cao hay thấp?

Nhìn tổng thể hơn, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đặt vấn đề, mức độ công khai minh bạch của ngân sách Việt Nam còn kém xa chuẩn quốc tế. Theo ông, quyết toán ngân sách ở các nước như Pháp, Thụy Điển, Hàn Quốc có thể hàng nghìn trang thì Việt Nam chỉ khoảng chục trang.

“Những chuyên gia muốn tìm nhưng cũng chẳng truy được gì, không biết ai chi cái gì và hiệu quả ra sao,” vị này nói.

Theo vị chuyên gia kinh tế này, với quyết toán của nhiều nước, người dân có thể biết lãnh đạo nước đó đi nước ngoài với giá vé máy bay bao nhiêu tiền, ở khách sạn bao nhiêu tiền, mời khách tiêu tốn ra sao,… Tuy nhiên, với nước ta, quyết toán thường chỉ có tổng chi thường xuyên, chi trả nợ, chi đầu tư phát triển và “chẳng ai biết là chi ra làm sao.”

Đây cũng là điều được chuyên gia kinh tế Vũ Sỹ Cường nêu lên. Ông lấy ví dụ luôn về dự toán ngân sách năm 2019, tổng chi theo ông vẫn chỉ “chung chung,” không được chi tiết. Vị này khẳng định, theo luật, chi đầu tư phát triển phải được nêu rõ chi tiết từng lĩnh vực nhưng dự thảo chỉ nói con số chung.

Riêng về thu ngân sách, ông Cường lại nêu lên băn khoăn là trong 3 năm nay, tỷ lệ thu từ thuế, phí, lệ phí trên GDP đang giảm dần và năm sau có thể chỉ là 20% GDP. Tỷ lệ này chưa đạt được theo chiến lược là khoảng 23% GDP.

Theo ông, đây là rủi ro về dài hạn vì ngân sách đang phải bù đắp bằng các khoản khác, không phải thuế, phí, lệ phí.

“Không thể có bữa trưa miễn phí. Tỷ lệ thu thuế, phí, lệ phí trong như trên là không bền vững,” ông nói. Bởi vây, theo ông, hiện ngân sách không có cách nào khác là nâng tỷ lệ này lên.

Ông Phạm Đình Cường, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính thì lại cho rằng, tỷ lệ thu ngân sách trong GDP của Việt Nam mặc dù thấp hơn các nước khu vực Bắc Âu nhiều nhưng trong khu vực thì đang là trung bình cao.

Bởi vậy, theo ông, nếu để tăng thu, vấn đề cần tính tới là tập trung chống thất thu và cởi trói cho doanh nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục