Việc ca khúc “Màu hoa đỏ” của cố nhạc sỹ Thuận Yến bị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang "cấm" mới đây đã gây nên một phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng.
Giải thích cho việc này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang cho rằng sở dĩ tác phẩm bị cấm là liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Vậy thực tế, tác phẩm nào bị cấm?
Bảo vệ các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học (trong đó có tác phẩm âm nhạc) là một nhánh của luật về bản quyền và quyền chính được bảo hộ cho các chủ sở hữu quyền tác giả là quyền sao chép, cho phép hoặc không cho phép phổ biến tác phẩm.
Bên cạnh đó luật bản quyền còn có các quy định về quyền liên quan đến quyền tác giả (gọi tắt là “quyền liên quan”), là các quy định dành cho bản ghi âm, bản ghi hình, chương trình phát sóng và tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hóa.
Sở dĩ pháp luật có các quy định bảo vệ các tác phẩm này là để các tác phẩm trí tuệ được phổ biến rộng rãi đến công chúng, khuyến khích, làm giàu và phổ biến di sản văn hóa quốc gia thì nhất thiết phải có những người trung gian có năng lực chuyên nghiệp đem lại cho tác phẩm hình thức trình bày thích hợp để có thể được đông đảo quần chúng tiếp cận.
Những người như vậy là các diễn viên, ca sỹ, nhạc công, vũ công, những người biểu diễn khác và những tổ chức đầu tư hoặc sở hữu những loại hình được bảo hộ quyền liên quan.
Về lý luận, tác phẩm và bản ghi hình tác phẩm là hai đối tượng hoàn toàn độc lập nhau. Điểm khác biệt lớn nhất của hai loại hình này là, trong khi quyền tác giả đối với tác phẩm tự động phát sinh kể từ thời điểm tác phẩm được hình thành dưới hình thức vật chất nhất định, thì quyền liên quan đối với bản ghi hình còn phải đảm bảo thêm điều kiện không gây phương hại đến quyền tác giả.
Một tác phẩm âm nhạc là duy nhất, các bản ghi âm, bản ghi hình, các “phiên bản” khác nhau do các nghệ sỹ khác nhau biểu diễn lại có rất nhiều, và mỗi một bản ghi âm, ghi hình, cuộc biểu diễn là một đối tượng riêng biệt và đều được bảo hộ quyền liên quan cho tập thể những người tạo nên tác phẩm.
Về bản chất, quan hệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả và quyền liên quan nói riêng là quan hệ dân sự. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được phép xử lý vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ nếu có yêu cầu từ chủ sở hữu hoặc người có quyền đối với tác phẩm hoặc người đại diện hợp pháp của họ.
Việc sử dụng từ ngữ không rõ ràng nhằm phân biệt giữa tác phẩm âm nhạc (ca khúc "Màu hoa đỏ") và bản ghi hình tác phẩm âm nhạc "Màu hoa đỏ" là nguyên nhân gây nên tranh cãi giữa các bên.
Xét về góc độ bản quyền, tác phẩm "Màu hoa đỏ" đáp ứng đầy đủ các điều kiện được bảo hộ theo quy định tại Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ. Những người thừa kế hợp pháp của cố nhạc sỹ Thuận Yến hoặc đại diện của họ có toàn quyền cho phép hay không cho phép người nào đó biểu diễn hoặc khai thác tác phẩm âm nhạc này. Điều đó có nghĩa là, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được phép dừng lưu hành một bản ghi âm, ghi hình ca khúc (được bảo hộ bản quyền) nếu có yêu cầu từ phía chủ sở hữu tác phẩm.
Xét về góc độ quyền liên quan, bản ghi hình tác phẩm âm nhạc "Màu hoa đỏ" sẽ đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn được bảo hộ nếu không gây phương hại đến quyền tác giả. Tức là họ được sự cho phép chủ sở hữu quyền tác giả trong việc biểu diễn, ghi âm, ghi hình tác phẩm.
Trong trường hợp họ không chứng minh được mình là người được quyền ghi hình tác phẩm thì họ đã có hành vi xâm phạm quyền tác giả và bản ghi hình tác phẩm có thể bị dừng lưu hành theo quy định của pháp luật.
Tại Công văn số 288/SVHTTDL-TTr ban hành ngày 16/3/2017 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang cũng đề cập đến việc ca khúc "Màu hoa đỏ" - “một ca khúc cách mạng nổi tiếng nhưng đã có một số người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ.”
Tuy nhiên, Công văn này lại không giải thích rõ việc dừng lưu hành là áp dụng đối với bản ghi hình vì đã xâm phạm quyền tác giả tác phẩm "Màu hoa đỏ," không phải dừng lưu hành tác phẩm "Màu hoa đỏ" dẫn đến gây hiểu lầm và tranh cãi giữa các bên.
Việc áp dụng pháp luật liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn gây nhiều bối rối bởi tính phức tạp của quyền sở hữu trí tuệ, nhất là trong kỷ nguyên công nghệ số phát triển. Bởi vậy, đòi hỏi tính minh bạch về mặt ngôn ngữ trong một văn bản áp dụng pháp luật là đòi hỏi chính đáng từ phía công chúng dành cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhất là quy định đó dành cho một ca khúc có tính lịch sử như "Màu hoa đỏ"./.