Mất việc làm vì COVID-19: Vượt qua khủng hoảng bằng chính sách

Cả người lao động và doanh nghiệp đều đang thấp thỏm chờ đợi diễn biến của dịch bệnh COVID-19, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thì ước tính sẽ có khoảng 1,3 triệu lao động bị mất việc.
Mất việc làm vì COVID-19: Vượt qua khủng hoảng bằng chính sách ảnh 1Số lượng lao động mất việc đăng ký hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đang gia tăng. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Theo đánh giá mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cuộc khủng hoảng kinh tế và lao động do COVID-19 gây ra có thể làm tăng thêm 25 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu. Tại Việt Nam, hàng triệu lao động làm việc ở cả khu vực chính thức và phi chính thức đang bị ảnh hưởng tới việc làm, tiền lương do dịch COVID-19.

Bài toán đặt ra hiện nay là nếu Việt Nam có thể đưa ra giải pháp và chính sách đồng bộ như thế giới đã làm được với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 thì tác động của dịch bệnh đến tình trạng thất nghiệp có thể giảm đáng kể…

Chúng ta đã có bài học hết sức sâu sắc từ dịch SARS trước đây. Rõ ràng, khi có biến cố dịch bệnh, việc chuẩn bị nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu là hết sức quan trọng. Cho nên, chiến lược phát triển nguồn nhân lực không chỉ là ngắn hạn, hiện tại, mà cần có dài hạn và tương lai khi hết dịch bệnh.

Bài 1: Người lao động thấp thỏm vì ngưng việc, thất nghiệp do COVID-19

Được thông báo thẩm mỹ viện sẽ tạm đóng cửa chỉ trước 2 ngày, mặc dù đã phần nào đoán được nhưng khi nhận quyết định chính thức, chị Hương (nhân viên một thẩm mỹ viện trên phố Trần Duy Hưng, Hà Nội) vẫn không khỏi hụt hẫng, lo lắng. Không những thế, thẩm mỹ viện cũng không nói rõ ngày trở lại làm việc, chuyện tiền lương vì thế mà “im ắng” theo...

Hàng triệu việc làm bị ảnh hưởng

Từ ra Tết đến nay, do dịch COVID-19, khách hàng quen đến thẩm mỹ viện đã giảm hơn 50%, trong khi việc mở rộng khách hàng mới gặp nhiều khó khăn. Điều này dẫn đến thu nhập hàng tháng đã giảm đi đáng kể từ ra Tết, chưa kể phần tiền lương tính theo doanh thu cũng mất đi khiến chị Hương lo lắng suốt hơn một tháng qua. Nay nhận được thông báo, mặc dù không quá bất ngờ nhưng cũng khiến chị mất ăn, mất ngủ lo lắng cho tương lai.

“Nghỉ không có lương mà tiền thuê nhà hàng tháng vẫn phải trả đều nên tôi rất bất an. Mặc dù công ty thông báo tạm nghỉ hết tháng 3, nhưng tình hình số ca nhiễm bệnh tăng lên từng ngày thì liệu hết tháng 3 hay hết tháng 4 chưa chắc đã có thể trở lại làm việc. Trong thời gian nghỉ, tôi chưa biết có thể làm được thêm việc gì với tình hình này,” chị Hương tâm sự.

Mất việc làm vì COVID-19: Vượt qua khủng hoảng bằng chính sách ảnh 2Nhiều hộ kinh doanh tại Hà Nội đã tạm đóng cửa, dừng hoạt động để hạn chế tập trung đông người. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Hiện nay, để tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, hàng loạt các biện pháp được các địa phương áp dụng, trong đó có việc đóng cửa tạm thời vũ trường, quán bar; trung tâm di tích, lịch sử; khu vui chơi, giải trí; cơ sở kinh doanh karaoke, massage, chơi game, rạp chiếu phim... Theo tính toán sơ bộ của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, chị Hương chỉ là một trong số hàng chục nghìn người lao động đã bị ngừng việc do các cơ sở kinh doanh buộc phải cho nhân viên nghỉ việc tạm thời.

Theo báo cáo của các địa phương, do bị tác động bởi Covid-19, hàng chục ngàn hộ sản xuất kinh doanh buộc phải tạm ngưng, bỏ kinh doanh, chủ yếu tập trung vào nhóm kinh doanh thuộc lĩnh vực dịch vụ, lưu trú, ăn uống, kinh doanh các mặt hàng có liên quan đến thị trường hoặc có xuất xứ từ Trung Quốc. Tính trung bình mỗi hộ chỉ thuê 2 lao động thì một số lượng lớn lao động với vài chục nghìn người đã không có việc làm. Đáng buồn hơn cả, những lao động này hầu như không có hợp đồng lao động hoặc được hưởng bất kỳ chế độ gì khi mất việc.

[Doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, giảm lương tới 40% để ứng phó COVID-19]

Trong tháng 2, qua báo cáo nhanh cho thấy có khoảng 10% số doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất. Bước sang đầu tháng 3, đặc biệt tuần thứ 2 của tháng 3, khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, số lượng doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất tăng lên rõ rệt với khoảng trên 15% trong tổng số doanh nghiệp.

Tại khu vực lao động chính thức, các doanh nghiệp dệt may phải áp dụng các biện pháp giãn ca, không làm thêm giờ vào thứ Bảy, Chủ nhật. Ngành vận tải hàng không thực hiện cắt giảm lương từ 20%-40% tùy vào từng vị trí, chưa sa thải nhân viên nhưng đang áp dụng biện pháp cho nghỉ luân phiên để tiến tới giảm lương. 

Trì hoãn cơ hội xuất khẩu lao động

Không chỉ việc trong nước bị ảnh hưởng mà hoạt động đi làm việc ở nước ngoài cũng gần như “đóng băng” khi hầu hết các thị trường truyền thống, tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia... đều đang bùng phát dịch hoặc thông báo “đóng cửa” để phòng chống dịch.

Mặc dù trong tháng 2, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn có khoảng 10.000 người, các đơn hàng đã có lịch xuất cảnh trước đó nên nhiều doanh nghiệp không thể hoãn, số lượng lao động đi xuất khẩu lao động vẫn chưa có sự sụt giảm. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trong tháng 3 đã có diễn biến phức tạp, việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã gặp nhiều trở ngại, lao động dù có lịch xuất cảnh vẫn phải hoãn lại, doanh nghiệp thì chưa thể ký kết các đơn hàng mới.

Anh Bàn Văn Quyên (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) đã tham gia đào tạo tiếng Nhật gần một năm nay và được tuyển chọn, ký hợp đồng đi làm việc tại Nhật Bản. Dự kiến, ngày 5/4 anh Quyên sẽ bay sang Nhật Bản làm việc, thế nhưng lịch trình bay đã hoãn lại do dịch bệnh COVID-19 và chưa biết bao giờ mới tiếp tục.

Mất việc làm vì COVID-19: Vượt qua khủng hoảng bằng chính sách ảnh 3Các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan tiếp nhận điều lao động Việt Nam đều đang có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ba thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc chiếm khoảng 90% số lao động sang làm việc nhưng đều đang có dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đều phải đối mặt với việc đơn hàng sụt giảm mạnh. Các công ty tuyển dụng nước ngoài do lo ngại dịch bệnh, hạn chế đi lại nên việc ký kết hợp đồng bị gián đoạn, hoạt động đưa lao động ra nước ngoài làm việc cũng bị ngưng trệ.

Đại diện một công ty xuất khẩu lao động cho hay nếu bình thường thì sau Tết, đầu quý 1 là thời điểm công ty tăng tốc tuyển nguồn lao động để đào tạo tiếng Nhật, định hướng kỹ năng làm việc cho ứng viên thì giờ đây chỉ tập trung bồi dưỡng cho các ứng viên đã phỏng vấn trúng tuyển, chuẩn bị xuất cảnh. Tiến độ và kế hoạch xuất khẩu lao động đều bị đảo lộn do dịch diễn biến ngày càng phức tạp. Các công ty xuất khẩu lao động đều theo dõi sát sao thông tin về dịch bệnh, mong sớm kiểm soát dịch bệnh để thị trường dần hồi phục.

Công ty Esuhai bình quân mỗi năm tuyển 1.000 lao động sang Nhật Bản làm việc, thế nhưng trước tình hình dịch kéo dài vẫn chưa hạ nhiệt thì việc đưa thực tập sinh sang Nhật Bản không còn nhộn nhịp như trước. Theo ông Lê Long Sơn, Tổng giám đốc Công ty Esuhai, việc ký kết các hợp đồng triển khai bị gián đoạn.

“Thay vì các nghiệp đoàn và chủ sử dụng lao động về Việt Nam phỏng vấn ứng viên trực tiếp thì nay họ chuyển sang phỏng vấn trực tuyến để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh. Hiện nay, các công ty của Nhật Bản vẫn chủ động nguồn nguyên liệu để sản xuất, tuy nhiên một số ngành nghề bị ảnh hưởng do đơn hàng không dồi dào như trước nên nhu cầu tuyển dụng cũng giảm theo,” ông Lê Long Sơn nói.

Trong khi hầu hết các thị trường xuất khẩu lao động đều đang bị “đóng băng”, Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu thay vì tuyển dụng đưa lao động đi chuyển sang quản lý, khai báo lao động trở về nước để phòng chống dịch COVID-19.

Hiện nay, cả người lao động và doanh nghiệp đều đang thấp thỏm chờ đợi diễn biến của dịch bệnh COVID-19. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thì sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng tới hàng triệu việc làm của người lao động trong thời gian tới./.

Căn cứ vào dự báo mức tăng trưởng GDP của Việt Nam và diễn biến của dịch bênh, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đưa ra ba kịch bản dự báo đến thị trường lao động. 

Theo kịch bản 1, dịch được khống chế trong tháng 3 và nền kinh tế quay lại trạng thái bình ổn, GDP quý 1 sẽ tăng trưởng chậm hơn so với mục tiêu đề ra từ 0,3%-0,5% thì số lao động bị giảm giờ làm bị hoặc mất việc làm là từ 132.000 đến 220.000 lao động. Kịch bản 2 dễ xảy ra hơn,  diễn biến dịch có xu thế đi ngang như hiện nay, GDP quý 1 sẽ tăng trưởng chậm hơn so với mục tiêu đề ra khoảng 1-2% thì số lao động bị giảm giờ làm bị hoặc mất việc làm là từ 440.000-880.000 lao động.  

Kịch bản 3: Để đề phòng dịch bùng phát, GDP quý 1/2020 sẽ tăng trưởng chậm hơn so với mục tiêu đề ra từ 2-3% thì số lao động bị giảm giờ làm bị hoặc mất việc làm là từ 880.000 đến 1,32 triệu lao động.

Với các kịch bản trên thì ngay trong tháng 3 này áp lực về người lao động mất việc làm sẽ tăng ít nhất 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, uớc tính các ngành công nghiệp chế biến-chế tạo, vận tải và kho bãi, du lịch sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất, với số người chịu ảnh hưởng chiếm khoảng 75-85% tổng số bị ảnh hưởng theo các ước tính ở trên.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục