Sau khi tạo ra những ánh sáng cực quang rực rỡ vào cuối tuần qua, hoạt động năng lượng của Mặt Trời vẫn tiếp diễn.
Theo Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian thuộc Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), Mặt Trời đã phun ra ngọn lửa mạnh nhất trong chu kỳ hoạt động hiện tại vào chiều 14/5.
Ngọn lửa Mặt Trời được đánh giá trên thang đo các loại tia sáng này là X8.7 với X là cấp lớn nhất, phát ra từ khu vực đã gây ra cơn bão từ cuối tuần qua mà NOAA cho là mạnh nhất kể từ năm 2003.
Ngọn lửa Mặt Trời là hiện tượng Mặt Trời phun ra năng lượng thường kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Theo Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian, ngọn lửa Mặt Trời với cường độ như vậy không thường xuyên xảy ra.
Bão Mặt Trời thường xảy ra tại các vùng hoạt động của Mặt Trời, có thể gây ảnh hưởng đến đài phát thanh, lưới điện và các phương tiện thông tin liên lạc. Người sử dụng tín hiệu vô tuyến tần số cao có thể bị mất tín hiệu tạm thời hoặc hoàn toàn. Bão Mặt Trời cũng có thể gây ra mối đe dọa cho các phi hành gia và tàu vũ trụ.
Tuy nhiên, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) nhận thấy không có rủi ro nào đối với các nhà du hành vũ trụ trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào tuần trước.
Mặt Trời liên tục thay đổi với mỗi chu kỳ kéo dài khoảng 11 năm. Mặt Trời quay vòng từ thời kỳ yên tĩnh, được gọi là "cực tiểu" cho đến khi hoạt động năng lượng của Mặt Trời đạt tới mức "cực đại."
Chu kỳ hiện tại của Mặt Trời là chu kỳ 25, chính thức bắt đầu vào đầu năm 2019. Chu kỳ này dự kiến đạt đỉnh trong khoảng thời gian từ cuối năm 2024 đến đầu năm 2025.
Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy rằng bão Mặt Trời dữ dội hơn khi gần đến cuối chu kỳ hoạt động của Mặt Trời./.
Bão Mặt Trời mạnh nhất 20 năm tấn công Trái Đất
Vụ đầu tiên trong số các vụ phun trào nhật hoa (CME)-hiện tượng plasma và từ trường phóng ra từ Mặt Trời-diễn ra khoảng 16h00 (theo giờ GMT tức 23h00 giờ ngày 10/5 theo giờ Hà Nội).