Mặt trận đã đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc

Nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã trả lời phỏng vấn báo chí.
Mặt trận đã đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc ảnh 1Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trả lời phỏng vấn của các cơ quan báo chí. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã trả lời phỏng vấn báo chí.

Vietnam+ trân trọng giới thiệu nội dung trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về những đóng góp của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đối với Chiến thắng 30/4/1975; mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.


- Thưa Chủ tịch, cả nước đang trong những ngày kỷ niệm một dấu mốc lịch sử hào hùng của dân tộc, 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Xin Chủ tịch cho biết những suy nghĩ, chia sẻ về ý nghĩa của Chiến thắng 30/4 trong bối cảnh hiện nay?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Chiến thắng năm 1975 là bài học lịch sử, là chiến thắng vĩ đại, đánh thắng một đế quốc hiện đại vào bậc nhất thế giới. Dân tộc ta có truyền thống đánh giặc nhưng đánh giặc có súng ống, đạn dược với sức mạnh áp đảo là thách thức vô cùng lớn.

Trong quá trình tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã đưa Chủ nghĩa Marx-Lenin về Việt Nam, mang lý luận của nhân loại, thời đại đến với một dân tộc lạc hậu. Một đất nước có thể yếu kém về vật chất nhưng không thể để lạc hậu về trí tuệ.

Bác Hồ cũng đã nói: "Nhờ đại đoàn kết dân tộc mà trong bao thế kỷ nhân dân Việt Nam đã bảo vệ được độc lập tự do của mình. Nhờ đại đoàn kết mà nhân dân Việt Nam đã đánh thắng chủ nghĩa thực dân làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công và kháng chiến thắng lợi. Nhờ đại đoàn kết mà Việt Nam chúng ta nhất định sẽ thống nhất."

Tuy nghèo khó nhưng khi đại đoàn kết sẽ thành sức mạnh lớn hơn rất nhiều. Bài học đại đoàn kết vẫn hết sức quan trọng, phát huy hiệu quả trong thời đại hiện nay.

Một bài học quan trọng khác là nếu một dân tộc có một đường lối đúng, có con đường chính nghĩa, tận dụng sức mạnh thời đại sẽ có thể chiến thắng được kẻ thù rất lớn. Hay nói cách khác là cần tận dụng sức mạnh thời đại để vượt qua khó khăn, thách thức.

Trong giai đoạn đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, sức mạnh thời đại là sự đồng thuận với mục tiêu giành lại hòa bình, thống nhất đất nước. Hiện nay, sức mạnh thời đại là khả năng đồng thuận giữa các quốc gia. Mỗi quốc gia đều quan tâm đến lợi ích, độc lập, chủ quyền quốc gia mình nhưng không được xâm phạm quyền của quốc gia khác.

Bên cạnh đó, sức mạnh thời đại cũng là khả năng của các cơ hội toàn cầu hóa, thị trường mở rộng. Đây là thời cơ đặc biệt mà một đất nước dù xuất phát điểm có thể thấp hơn so với các quốc gia khác vẫn có thể vươn lên nhanh.


- Sau 40 năm nhìn lại, Chủ tịch đánh giá như thế nào về những đóng góp của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là Chiến thắng 30/4/1975?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Lịch sử cho thấy, Hiệp định Geneva có quy định đến tháng 7/1956 sẽ tiến hành Tổng tuyển cử. Mọi người dân đều có tâm trạng chờ đợi nhưng cuối cùng Tổng tuyển cử vẫn không diễn ra. Một câu hỏi lớn được đặt ra đối với đồng bào, cán bộ, chiến sỹ miền Nam là đất nước thống nhất bằng cách nào.

Một tháng sau Hiệp định Geneva hết hạn (tháng 8/1956), nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn (lúc đó được Đảng phân công ở lại miền Nam) có viết Đề cương cách mạng miền Nam. Trong đó, Đề cương xác định con đường cách mạng Việt Nam là đấu tranh vì hòa bình nhưng phải tiến tới thống nhất đất nước, giành độc lập dân tộc, đánh đuổi xâm lược Mỹ và lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Trong quá trình đó, con đường căn bản đó là phải phát triển một Mặt trận Dân tộc thống nhất.

Đồng chí Lê Duẩn viết phải xây dựng khối liên minh công nông, khơi dậy lòng yêu nước các tầng lớp tiểu tư sản, học sinh, sinh viên, trí thức, lôi cuốn họ tham gia phong trào dân tộc dân chủ, bồi dưỡng nâng cao ý thức chính trị, phát triển phong trào đấu tranh các tầng lớp công thương, dân tộc, tăng cường đoàn kết với tôn giáo đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Cao Đài, đạo Hòa Hảo; đi sâu vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện tốt chính sách đoàn kết dân tộc anh em trong Mặt trận thống nhất, phát huy năng lực to lớn của thanh niên, phụ nữ.

Những điều được đồng chí Lê Duẩn viết cách đây nửa thế kỷ nhưng đến nay vẫn mang tính thời sự. Để biến điều này thành hiện thực, cần có một tổ chức làm nhiệm vụ thực hiện liên minh công-nông, tập hợp đoàn kết các giới, khơi dậy phong trào của các tầng lớp.

Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời năm 1960 đã hiện thực hóa đường lối cách mạng của Đảng, thể hiện qua tác phẩm Đề cương cách mạng miền Nam của nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn và sau này là Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng.

Vai trò đầu tiên của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là biến đường lối của Đảng thành hiện thực, thông qua việc tập hợp lực lượng nhân dân ở tất cả các vùng miền. Sau một năm, phong trào đấu tranh chính trị đã phát triển nhanh chóng. Nhờ đó, nhân dân đã có sáng kiến là đấu tranh chính trị, kết hợp với binh vận, từ đó tiến hành vũ trang cục bộ và tạo ra phong trào Đồng Khởi.

Phong trào Đồng Khởi chưa được xác định hình thái trong tác phẩm của nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn nhưng chính quần chúng nhân dân đã chứng minh: từ chính lực lượng chính trị đấu tranh, các binh vận có khả năng hình thành lực lượng vũ trang nhỏ, đánh địch, chiếm lại từng phần đất và dần dần hình thành một lực lượng: kết hợp chính trị, binh vận, vũ trang.

Cuối năm 1964, lực lượng vũ trang đã cơ bản đã phá tan được ấp chiến lược của chế độ Sài Gòn; từ đó chuyển cách mạng sang một giai đoạn khác, buộc Mỹ phải tiến hành chiến tranh đặc biệt. Đến năm 1965, vùng giải phóng được thành lập.

Như vậy sau 5 năm Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, với sự kết hợp đấu tranh ở miền Nam và chi viện của miền Bắc, từ chỗ nhân dân ta phải đấu tranh trong lòng địch thì nay đã có vùng giải phóng. Tại các vùng giải phóng, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam có chức năng quản lý chính quyền.

Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam có vai trò chuyển từ trực tiếp hỗ trợ đấu tranh chính trị vũ trang sang xây dựng vùng giải phóng; đồng thời tiếp nhận chi viện của miền Bắc để hình thành một hệ thống quản lý Nhà nước thống nhất. Vai trò của Mặt trận trong giai đoạn này là hết sức quan trọng.

Khi thực hiện đàm phán Hiệp định Paris, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã yêu cầu Mỹ là phải có Mặt trận dân tộc giải phóng Việt Nam miền Nam mới tiến hành đàm phán. Vì vậy, ngay tại phiên đầu tiên họp đàm phán Hiệp định Pari đã có đại diện của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam với vai trò như một chính quyền nhân dân ở phía Nam.

Những năm sau đó, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tiếp tục phát động các cuộc đấu tranh chính trị, binh vận, vũ trang cùng với lực lượng chủ lực miền Bắc tạo lên cuộc Tổng tiến công năm 1975 và Chiến thắng 30/4.

Có thể nói, sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là kết quả của đường lối cách mạng đúng đắn với sáng kiến vô cùng sáng tạo của nhân dân. Mặt trận đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc.


- Phát huy tinh thần Chiến thắng 30/4 trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội hướng về thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng nào, thưa Chủ tịch?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Năm 2014, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, trong đó xác định năm chương trình hành động. Bên cạnh hoạt động truyền thống, Mặt trận cần làm tốt hơn việc vận động để nhân dân hiểu đúng đường lối chính sách của Đảng, tạo sự đồng thuận, từ đó phát huy sáng kiến để thực hiện.

Trong công tác truyền thông, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh nhiệm vụ là phản ánh tiếng nói của nhân dân đối với Đảng, chính quyền các cấp, với phương châm: nghe nhân dân nói, cùng nhân dân suy nghĩ, chuyển ý kiến nhân dân tới tổ chức các cấp, trong đó, có một nội dung quan trọng là lắng nghe ý kiến của Việt kiều ta sinh sống ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, trước thách thức của tình hình trong nước và quốc tế, muốn phát triển bền vững cần tổ chức các hoạt động phong trào thi đua để người dân phát huy sáng kiến, góp phần xây dựng đất nước. Một trong những nhiệm vụ đặc thù của Mặt trận cần kể đến đó là phát huy dân chủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội làm nòng cốt, làm vai trò giám sát, phản biện xã hội theo yêu cầu của Hiến pháp năm 2013. Đây là một trách nhiệm thiêng liêng.

Nhiệm vụ quan trọng tiếp theo là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần xây dựng tổ chức vững mạnh thực sự từ cấp Trung ương đến cơ sở, nhằm đáp ứng mong mỏi của nhân dân và Đảng, Nhà nước.

Trong bối cảnh hiện nay, các cấp, các ngành cần tiếp tục tuyên truyền về thành tựu của đất nước sau 40 năm giải phóng; thấy được thời cơ và thách thức trong thời đại mới. Nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đặt ra là: Huy động sức mạnh đại đoàn kết, xây dựng đất nước phát triển nhanh, bền vững.


- Trân trọng cảm ơn Chủ tịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục