Mất thương hiệu: Phần nhiều do kinh doanh kiểu "chụp giật, ngắn hạn"

Theo ông Vũ Xuân Trường, chuyên gia tư vấn thương hiệu, ở Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên tiềm lực về tài chính còn yếu, chưa sẵn lòng cho việc thực hiện một chiến lược dài hơi.
Mất thương hiệu: Phần nhiều do kinh doanh kiểu "chụp giật, ngắn hạn" ảnh 1Vinamilk là thương hiệu lớn, có uy tín của Việt Nam và trên trường quốc tế. (Nguồn: Vinamilk)

Giai đoạn khởi nghiệp nhiều doanh nghiệp có thể sẽ khó khăn cho việc xác đinh chiến lược phát triển thương hiệu và việc chuẩn bị, nghiên cứu thấu đáo thị trường chính là cơ sở đảm bảo sự thành công vững chắc của doanh nghiệp​.

Đây cũng là nội dung chính được bàn thảo tại Chương trình đào tạo "Xây dựng chiến lược thương hiệu doanh nghiệp" do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức mới đây tại Hà Nội.

[SCIC sắp thoái 3,33% vốn ở Vinamilk, có thể thu về 7.000 tỷ đồng]

Cạnh tranh không thể bằng chiêu trò

Bắt đầu công việc kinh doanh trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ cách đây 10 năm, nhưng khủng hoảng kinh tế đã khiến công ty của Trịnh Xuân Đại (quận Hà Đông, Hà Nội) rơi vào khó khăn dẫn đến phá sản.

Sau thất bại đó, năm 2016, Trịnh Xuân Đại tiếp tục chọn một hướng đi khác trong lĩnh vực du lịch, lữ hành với tên VietHome. Tuy nhiên, là một doanh nghiệp vừa và nhỏ, công việc kinh doanh phía trước gặp rất nhiều khó khăn, do sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp lớn và tên tuổi.

Doanh nhân này cho biết, mặc dù xác định được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu, nhưng hiện công ty mới triển khai sơ bộ ở mức tự thiết kế và chưa bảo hộ thương hiệu của doanh nghiệp ở trong nước và quốc tế.

Dẫn lý do về tài chính hạn hẹp, theo chủ doanh nghiệp này, việc xây dựng thương hiệu là một chủ trương dài hạn, không thể làm một sớm một chiều và phải chọn thời điểm phủ hợp với nội lực của doanh nghiệp.

"Chúng tôi rất lo việc bảo hộ thương hiệu, nếu không làm thì chắc chắn sẽ có doanh nghiệp khác sẽ làm," đại diện Công ty VietHome chia sẻ.

Từ câu chuyện trên theo các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa quan tâm và đầu tư đúng đắn cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu.

Phân tích lý do này, theo ông Vũ Xuân Trường, chuyên gia tư vấn thương hiệu, ở Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên tiềm lực về tài chính còn yếu, chưa sẵn lòng cho việc thực hiện một chiến lược kinh doanh dài hơi.

Vị chuyên gia này cũng cảnh bảo, nếu kinh doanh theo kiểu chụp giật, ngắn hạn thì chiến lược thương hiệu sẽ không đạt kết quả cao.

​Ông Trường lưu ý, đã qua rồi thời quan niệm xây dựng thương hiệu chỉ đơn giản chỉ là thiết kế một logo, hay ghi một nhãn hiệu lên sản phẩm mà quan trọng là thời điểm hiện nay việc xây dựng thương hiệu chính là làm cho sản phẩm nằm trong tâm trí người tiêu dùng càng lâu càng tốt.

"Cạnh tranh không phải bằng chiêu trò mà chính là làm thế nào để người tiêu dùng mua sản phẩm thấy thoải mái. Nếu như làm theo kiểu chụp giật, ngắn hạn thì chiến lược thương hiệu sẽ không cao, nếu không có sự khác biệt hóa trong đám đông thì chắn chắn anh sẽ bị loại trừ," ông Trường nói.

Mất thương hiệu: Phần nhiều do kinh doanh kiểu "chụp giật, ngắn hạn" ảnh 2Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại đang phát biểu ý kiến. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)


Thương hiệu gắn liền với chất lượng

Xây dựng thương hiệu là việc cần thiết để thiết lập, quảng bá và duy trì hình ảnh của doanh nghiệp. Chia sẻ vấn đề này, theo ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty Mibrand, các doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam không chỉ có tiềm lực về tài chính mà còn là cách thức quảng bá thương hiệu, lịch sử và giá trị thương hiệu.

Ông Mạnh cho rằng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam dù nhận thức về xây dựng thương hiệu được nâng lên và nhu cầu xây dựng thương hiệu cũng tăng lên, nhưng từ nhận thức đến hành động còn quãng đường khá xa.

Hơn nữa, doanh nghiệp có nhiều rào cản trong quá trình xây dựng thương hiệu, như kiến thức, sự hiểu biết định hướng chuẩn cho thương hiệu… cần sự đầu tư lớn, kể cả về mặt chuyên môn cũng như chi phí truyền thông.

Do vậy, để xây dựng thương hiệu thành công, theo ông Mạnh, doanh nghiệp phải xác định cho mình định vị thương hiệu rõ ràng và phải đủ khác biệt, cuốn hút với người tiêu dùng, trong đó cần lưu ý đến chất lượng sản phẩm luôn làm khách hàng hài lòng.

Trước những lo ngại về chi phí dành cho việc xây dựng được thương hiệu, đại diện Mibrand cho rằng, việc chi tiêu chỉ là vế sau như chi tiêu cho truyền thông, quảng cáo, còn vế trước chính là bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực trong việc hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ, chăm sóc khách hàng, xây dựng quan hệ với khách hàng… đó là những việc không tốn tiền và đây là hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp.

Từ cách làm của người Nhật, theo đó mỗi ngày sản phẩm được sản xuất ra phải được đổi mới và tốt hơn, ông Mạnh cũng khuyến nghị đây là con đường mà doanh nghiệp Việt Nam cần đi theo.

"Chúng ta nên gác vấn đề chi phí sang một bên và nên xác định lại hoạt động xây dựng thương hiệu doanh nghiệp là chăm sóc khách hàng, làm sao khách hàng quay lại mua, có sự chịu chi để khách hàng quảng bá giúp mình, đó là sự truyền thông lớn mà doanh nghiệp chưa phải chi trả chi phí quá nhiều," ông Mạnh lưu ý thêm.

Đồng tình với ý kiến trên, theo ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, trong quá trình hội nhập, giá trị của thương hiệu là công cụ hết sức quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị trí của doanh nghiệp.

Ông Sơn cũng nhấn mạnh đến các Chương trình đào tạo về Xây dựng chiến lược thương hiệu nhằm đáp ứng mong muốn doanh nghiệp, đáp ứng mong muốn của từng ngành hàng và quy mô từng doanh nghiệp.

Theo ông Sơn, việc nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng là cơ hội quảng bá chương trình thương hiệu quốc gia, góp phần xúc tiến xuất khẩu và hơn nữa là xây dựng thương hiệu quốc gia của Việt Nam ngày càng vững mạnh trên trường quốc tế./.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nói về xây dựng chiến lược thương hiệu
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục