Nếu những năm trước đây, nghề nuôi ong không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn là nghề góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, thì hiện nay mật ong Việt đã có những thương hiệu chinh phục người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Đặc biệt, nghề nuôi ong đã chuyển dần từ hình thức chăn nuôi tự phát, nhỏ lẻ sang hình thức đầu tư nuôi ong tập trung với số lượng lớn.
Cùng với đó, chất lượng sản phẩm tạo ra từ nghề nuôi ong như mật ong, sữa ong chúa, sáp ong, keo ong, phấn hoa… của nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam đã được nâng lên, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Kết quả này có được là nhờ vào những doanh nghiệp đầu tư bài bản vào chất lượng sản phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu...
Hiện nay, mật ong Việt đang thuộc top đầu thế giới về chất lượng và đứng thứ nhì châu Á về sản lượng, với tổng sản lượng xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 60.000 tấn.
Đơn cử, nhiều doanh nghiệp đã và đang xuất khẩu mật ong Việt như công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên với tổng sản lượng 10.000 tấn/năm, thì tỷ trọng xuất khẩu chiếm khoảng 20% và còn lại phục vụ thị trường nội địa.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Nhà sáng lập, Tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư tập đoàn Xuân Nguyên cho biết, Xuân Nguyên mất 10 năm xây dựng thương hiệu và khoảng 8 năm để tiếp cận thị trường toàn quốc.
Đối với doanh nghiệp nông nghiệp, khó nhất vẫn là kiên trì đeo bám thị trường và đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định. Cụ thể, tính đến nay, Xuân Nguyên đã giới thiệu ra thị trường 24 chủng loại sản phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm phối hợp với mật ong là thế mạnh của công ty.
[Theo chân những người làm nghề gác kèo ong mật ở U Minh Thượng]
Đồng thời, sản phẩm của Xuân Nguyên đã và đang phân phối, bán lẻ ở các kênh như siêu thị, nhà thuốc, tiệm tạp hóa...
Theo ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng quan tâm truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, chất lượng hàng hóa, nhất là đối với những mặt hàng lương thực, thực phẩm.
Chính vì vậy, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chất lượng, giá cả cạnh tranh thì không lo khó tiếp cận thị trường. Đặc biệt, mật ong thật, ngon và chất lượng phụ thuộc vào chủng loại ong gì, hút mật hoa nào, công nghệ sử dụng chế biến, vận chuyển và bảo quản, nên người tiêu dùng không nên mua sắm những sản phẩm đóng gói thô sơ, thông tin không minh bạch...
Ghi nhận thực tế trên thị trường, sản phẩm mật ong rất đa dạng mẫu mã và phong phú chuẩn loại nên mang lại nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.
Người tiêu dùng luôn mong muốn tiêu dùng sản phẩm thiên nhiên, tự nhiên, nhưng đối với sản phẩm mật ong, các chuyên gia cho rằng, việc người kinh doanh tự đóng gói bao bì sản phẩm theo phương thức truyền thống như chai, lọ nhựa và quảng cáo là mật ong rừng với nhiều mức giá khác nhau sẽ không đảm bảo về chất lượng, giá cả và khâu bảo quản sản phẩm đúng cách.
Do đó, người tiêu dùng cần thận trọng trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm để hạn chế rủi ro về an toàn thực phẩm và thiệt hại về tài chính.
Ở góc độ người tiêu dùng, bà Tuyết Mai, cư ngụ tại quận Thủ Đức cho rằng, trong những năm gần đây, tại Thành phố Hồ Chí Minh không khó tìm kiếm những sản phẩm mật ong có thương hiệu, được đóng gói bao bì và nhãn mác đầy đủ thông tin, nên người dân có nhiều sự lựa chọn hơn.
Đối với người tiêu dùng, ngoài nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, khâu chế biến, vận chuyển, bảo quản... cũng là những yếu tố quan trọng trong bảo đảm chất lượng hàng hóa.
Bên cạnh những thương hiệu lớn chinh phục thị trường xuất khẩu, trong thời gian qua cũng có nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường mật ong đã làm gia tăng giá trị sản phẩm và thương hiệu Việt, góp phần thúc đẩy thị trường nội địa phát triển.
Riêng với mặt hàng mật ong, thị trường trong nước vẫn còn nhiều dư địa, cụ thể chỉ thống kê riêng thị trường Thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày đã tiêu thụ hơn 10 tấn mật ong (gồm cả tiêu dùng trong gia đình và sản xuất)./.