Nước biển dâng cao làm xâm nhập mặn sâu hơn vào nội địa, khả năng có đến 2,4 triệu ha đất bị nước biển xâm nhập. Theo đó, nếu mực nước biển dâng cao 1m thì nhiều diện tích chuyên trồng lúa 2 vụ/năm sẽ không thể sản xuất được do nước mặn tràn vào.
Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo "Nông nghiệp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu: Cơ hội và thách thức," do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì diễn ra sáng nay (10/9), tại Hà Nội. Phát biểu tại hội thảo, tiến sỹ Phạm Đồng Quảng-Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ đến ngành trồng trọt, rõ ràng nhất là làm giảm diện tích đất canh tác, gây ra tình trạng hạn hán và sâu bệnh, gây áp lực lớn cho sự phát triển của ngành trồng trọt nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung. Thực tế cho thấy hiện nay, mức độ nhiễm mặn trên 4%o đã lấn sâu vào 30-40 km tại một số nơi ở đồng bằng sông Cửu Long và cả đồng bằng sông Hồng. Diện tích bị mặn trên 4%o hiện nay khoảng 1.303 nghìn ha, diện tích này sẽ tăng lên 1.493 nghìn ha, ứng với kịch bản nước biển dâng 0,69 m và 1.637 nghìn ha, với kịch bản nước biển dâng 1m ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhận định về tình hình này, Phó Cục trưởng Phạm Đồng Quảng cho hay, như vùng núi Tây Bắc và Đông Bắc sẽ phải đối mặt với nguy cơ tăng cường độ hạn hán do biến đổi khắc nghiệt của thời tiết trong những năm tới; tại Bắc Trung Bộ, các tháng 5-6 có thể trở thành các tháng khô nóng thường xuyên như ở Nam Trung Bộ, mưa phùn trở nên hiếm hoi. Còn tại khu vực Tây Nguyên, tính bất ổn trong chế độ mưa cũng tăng lên khiến vùng này có khả năng đối mặt với nguy cơ hạn hán bất thường. Xu hướng này ngày càng rõ ràng khi các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sản xuất trong vụ Đông Xuân 2012-2013 và sắp tới là Hè Thu, vụ Mùa năm 2013. Không những thế, biến đổi khí hậu còn làm thay đổi điều kiện sống của các loài sinh vật, làm gia tăng một số loài dịch hại mới và các đợt dịch bùng phát trên diện rộng. Đơn cử, trong khoảng 3 năm trở lại đây, dịch rầy nâu và vàng lùn, lùn xoắn lá trên cây lúa đã làm giảm đáng kể sản lượng lúa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, trong năm 2010, tại đồng bằng sông Cửu Long đã xảy ra dịch sâu cuốn lá nhỏ gây thiệt hại khoảng 400.000 ha lúa, khiến năng suất lúa giảm từ 30-70%. [Sâu bọ phá hoại lan rộng do biến đổi khí hậu toàn cầu] Bên cạnh đó, áp lực dân số, kéo theo là nhu cầu về lương thực ngày càng gia tăng, đòi hỏi cần phải có những giải pháp thích ứng “thông minh” với biến đổi khí hậu, Phó Cục trưởng Phạm Đồng Quảng nhấn mạnh. Bởi vậy, đề xuất trước thực trạng này, Phó Cục trưởng Phạm Đồng Quảng nhấn mạnh cần tái cơ cấu sản xuất trồng trọt theo hướng chiến lược lâu dài ứng phó với biến đổi khí hậu (mất đất, nhiễm mặn, thời tiết cực đoan và các đe dọa bất lợi của ngành sản xuất lúa nước trong tương lai). Mặt khác, đối với quy mô địa phương, các lực lượng cơ sở cần tăng cường các biện pháp canh tác, phương thức sản xuất nông nghiệp đa mục tiêu như đảm bảo an ninh lương thực, tăng thu nhập cho nông dân và giảm phát thải. Hơn nữa, việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn trước thách thức của biến đổi khí hậu kết hợp với quy hoạch tổng thể vùng sản xuất cũng là một trong những giải pháp nhằm phát triển bền vững cho nền nông nghiệp.
Các đánh giá bước đầu về tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành trồng trọt Việt Nam cho thấy: Tổng sản lượng sản xuất trồng trọt có thể giảm từ 1-5%, năng suất các cây trồng chính có thể giảm đến 10%, đặc biệt đối với sản xuất lúa.
Các dự báo cho thấy đến năm 2100, vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ mất đi 7,6 triệu tấn/năm, tương đương với 40,52% tổng sản lượng lúa của cả vùng./. |
Thanh Tâm (Vietnam+)