Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, gây tác động bất lợi lớn đến nhiều ngành hàng xuất khẩu, nhưng mặt hàng tôm của Việt Nam vẫn vượt qua khó khăn này để ghi dấu ấn xuất khẩu vượt mong đợi.
Xuất khẩu tăng 13%
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu tôm trong tháng Sáu vừa qua đạt khoảng 402 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm lên 1,7 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đánh giá của các chuyên gia ngành tôm, những thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu đều gia tăng lượng nhập khẩu tôm Việt. Chính vì thế, xuất khẩu sang các thị trường này đều tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm nay.
Cụ thể, xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng trưởng bình quân 45%/tháng, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản tăng trưởng 17%, Hàn Quốc tăng 10%, một số quốc gia tại châu Âu tăng từ 15-60%.
Hiện nay, tôm Việt Nam đang đứng vị trí số 1 tại hầu hết các thị trường, với kim ngạch vượt trội các quốc gia khác. Tuy nhiên, tại Mỹ - thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất thế giới (chiếm 30% kim ngạch nhập khẩu tôm thế giới và chiếm 22% kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam), tôm Việt Nam chỉ chiếm 8,5% thị phần, đứng sau Ấn Độ, Indonesia và Ecuador.
Theo ông Dương Vũ Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương Cà Mau, mặc dù dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, gây nhiều ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu tôm, nhưng trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm vẫn đạt mức tăng trưởng mạnh hơn so với cùng kỳ năm trước.
[Minh Phú phản hồi kết luận về áp thuế chống phá giá tôm đông lạnh]
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tôm ước đạt 400 triệu USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng tôm Cà Mau trong năm nay dự báo ước đạt hơn 100.000 tấn; trong đó, tôm chế biến chiếm hơn 85.000 tấn, tăng 21%. Dự báo, trong năm 2021, xuất khẩu tôm Cà Mau sẽ đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD, đóng góp 1/4 kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước.
Theo các chuyên gia, mặc dù Việt Nam và các quốc gia vẫn đang phải ứng phó dịch bệnh, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt mức tăng trưởng tốt như hiện nay là bởi lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA),…
Chủ động đón thời cơ
Giữa bộn bề các giải pháp ứng phó dịch bệnh diễn ra tại các nước nhập khẩu tôm Việt Nam, cũng như tình hình dịch COVID-19 trong nước đang diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn tìm cách chủ động đón thời cơ phát triển trước đà tăng trưởng hiện nay. Theo đó, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm Việt Nam đã tăng cường tìm nguồn nguyên liệu cung ứng cho hoạt động sản xuất, chế biến.
Ông Dương Vũ Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương Cà Mau nhìn nhận các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới hiện đang là lợi thế lớn cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm Cà Mau vào các nước thành viên EVFTA tăng hơn 148% so với cùng kỳ; các nước thành viên CPTPP tăng 9,8%,...
Hiện tại, tỉnh Cà Mau có trên 40 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm; trong đó 32 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu với tổng công suất đạt 250.000 tấn/năm. Sản phẩm tôm chế biến của tỉnh có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế và đã xuất khẩu đến trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các doanh nghiệp đã tranh thủ nắm bắt được những cơ hội, ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do trên để tăng cường xuất khẩu, ông Dương Vũ Nam chia sẻ thêm.
Tương tự như Cà Mau, các địa phương khác tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng tranh thủ các lợi thế này để đẩy mạnh xuất khẩu tôm trong giai đoạn khó khăn về giao thương. Điển hình tại tỉnh Bạc Liêu, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm của địa phương này đã tận dụng lợi thế kép từ quyết định của Mỹ - hủy quyết định áp thuế tôm xuất khẩu đối với những tập đoàn xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm của Bạc Liêu cũng đã tranh thủ lợi thế của Hiệp định EVFTA, với thuế nhập khẩu tôm vào thị trường châu Âu sẽ được giảm trừ mức thuế cơ bản từ 12-20% xuống còn 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, nên đây sẽ là cơ hội cho ngành chế biến thủy sản bứt phá trong tương lai gần.
Đồng thời, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm cũng phát huy và khai thác tốt nguồn nguyên liệu vốn rất dồi dào khi nhiều dự án nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh đang được tập trung đẩy mạnh trong năm 2021, đại diện Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu chia sẻ.
Theo các chuyên gia, mặc dù dịch bệnh tác động nhiều đến thu nhập, khiến người tiêu dùng giảm chi tiêu cho những mặt hàng xa xỉ, nhưng nhu cầu dinh dưỡng, đặc biệt là nhu cầu về các nguồn thực phẩm dinh dưỡng chất lượng tốt, cần thiết hàng ngày vẫn duy trì ở mức cao. Trong khi đó, chất lượng của tôm Việt ngày càng có uy tín trên thị trường nên điều này đã giúp cho con tôm Việt càng được nhiều thị trường lựa chọn.
Do đó, để có thể tiếp tục giữ vững và phát huy vị thế này, các doanh nghiệp và người nông dân nuôi tôm Việt Nam cần tăng cường liên kết chuỗi, đồng bộ các giải pháp đáp ứng các tiêu chuẩn cao của các thị trường nhập khẩu, tận dụng tối đa các lợi thế, mới có thể giữ vững được uy tín và thương hiệu./.