Mật độ tảo độc ở Nam Định xuống mức cho phép

Mật độ tảo độc tại hai huyện của Nam Định đã giảm xuống ngưỡng cho phép, giúp hoạt động khai thác ngao trở lại bình thường.
Liên quan đến việc tảo độc xuất hiện nhiều tại các vùng nuôi ngao ở tỉnh Nam Định, ngày 15/3, ông Trần Xuân Lại - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Nam Định cho biết mật độ tảo độc hiện giảm xuống ngưỡng cho phép.

Hoạt động khai thác ngao ở 2 huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng đã có thể trở lại bình thường.

Hiện tượng tảo độc xuất hiện nhiều trước đó là do sự thay đổi thời tiết, biến động của dòng chảy. Khi mật độ này xuống dưới 100.000 tế bào/lít nước (ngưỡng cho phép), lực lượng chức năng cũng bãi bỏ chế độ lấy mẫu tăng cường.

Tuy nhiên, theo ông Trần Xuân Lại, chưa thể lơ là việc giám sát sự tăng giảm đột biến của tảo độc, do vậy, việc lấy mẫu sẽ vẫn duy trì 2 điểm/bãi.

Loài tảo độc xuất hiện tại các vùng nuôi ngao của Nam Định có tên khoa học là Pseudonitzchia sp. Loài này sinh độc tố ASP (Amnesic Shellfish Poison) - độc tố gây mất trí nhớ.

Theo nghiên cứu của tiến sĩ Chu Văn Thuộc (Viện Tài nguyên môi trường biển), tảo độc gây ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng môi trường thủy vực, từ đó gây hại cho các thủy sinh vật.

Sự tác động của tảo độc hại đến sức khỏe con người cũng như một số động vật khác như chim, thú chủ yếu là gián tiếp, thông qua các loại hải sản biển như cá, cua, ngao vẹm… đã nhiễm độc tố tảo.

Gần đây, tảo độc xuất hiện nhiều tập trung ở xã Nam Điền, thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng; xã Giao Xuân, Giao Hải, huyện Giao Thủy.

Ước tính vùng nuôi ngao có tảo độc vượt quá giới hạn cho phép ước lên tới trên 5.000ha.

Tại huyện Giao Thủy, mật độ tảo là 145.000 tế bào/lít nước, huyện Nghĩa Hưng là trên 150.000 tế bào/lít nước, cao hơn mức giới hạn cho phép từ 45.000-50.000 tế bào/lít nước.

Hai huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng có tổng diện tích nuôi ngao là gần 1.000ha với sản lượng ngao thương phẩm hàng năm từ 18.000-20.000 tấn./.

Mỹ Bình (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục