Để thực hiện một thủ tục hành chính khởi sự doanh nghiệp, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra 11,3 giờ, chi phí trực tiếp là 476.200 đồng.
Thông tin trên được đưa ra trong Báo cáo Chỉ số đánh giá Chi phí tuân thủ Thủ tục Hành chính 2022 (APCI 2022).
Báo cáo do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án hỗ trợ kỹ thuật Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME).
Nhóm thủ tục hành chính khởi sự doanh nghiệp được khảo sát năm 2022 gồm 5 thủ tục hành chính: đăng ký thành lập doanh nghiệp; đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; khai lệ phí môn bài; thông báo phát hành hóa đơn đặt in/hóa đơn tự in/hóa đơn in trực tiếp từ máy tính tiền và hóa đơn điện tử.
Chi phí tuân thủ trung bình để thực hiện một thủ tục hành chính là 1,3 triệu đồng.
Chi phí tuân thủ của một thủ tục hành chính là tổng cộng của tất cả các chi phí bao gồm chi phí thời gian và chi phí trực tiếp cần thiết để thực hiện thủ tục hành chính đó.
Trung bình các doanh nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ mất khoảng 1,1 triệu đồng để thực hiện một thủ tục hành chính về khởi sự doanh nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chi trả trung bình khoảng 1,7 triệu đồng để thực hiện một thủ tục hành chính của nhóm khởi sự doanh nghiệp.
Địa phương tốt nhất được ghi nhận là Phú Thọ với chi phí trung bình để các doanh nghiệp tại địa phương này thực hiện một thủ tục hành chính về khởi sự doanh nghiệp là 260.000 đồng.
Số giờ làm việc trung bình mà mỗi doanh nghiệp trên cả nước phải bỏ ra để thực hiện một thủ tục hành chính khởi sự doanh nghiệp là 11,3 giờ.
Nổi bật, Tuyên Quang là địa phương tốt nhất về chỉ số thành phần thời gian thực hiện nhóm thủ tục hành chính khởi sự doanh nghiệp với số giờ trung bình mà các doanh nghiệp tại địa phương này phải bỏ ra để thực hiện một thủ tục hành chính khởi sự doanh nghiệp là 0,2 giờ làm việc do chủ yếu thực hiện các thủ tục theo phương thức trực tuyến.
Trong 5 bước thực hiện thủ tục hành chính về khởi sự doanh nghiệp, chuẩn bị hồ sơ là bước chiếm nhiều thời gian nhất (6,3 giờ; tương ứng 55,7%).
Theo một số doanh nghiệp, nguyên nhân là vì doanh nghiệp thường mất nhiều thời gian cho việc soạn thảo và chuẩn bị các tài liệu cần có trong bộ hồ sơ theo quy định pháp luật, đơn cử như việc tra cứu mã ngành, nghề, soạn thảo/sửa đổi Điều lệ, tổ chức họp Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông để ban hành quyết định cần có trong bộ hồ sơ...
[Đâu là nguyên nhân dẫn đến thất bại của doanh nghiệp khởi nghiệp?]
Bên cạnh đó, hai bước tìm hiểu thông tin và chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ có số giờ thực hiện đều là 1,8 giờ/bước.
Đặc biệt, một số doanh nghiệp cũng phản ánh gặp vướng mắc khi thực hiện bước chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ. Cụ thể, doanh nghiệp cho biết do không nhận được sự hướng dẫn chi tiết, rõ ràng của cán bộ cơ quan đăng ký kinh doanh nên họ gặp khó khăn khi chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ và phải thực hiện chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ nhiều lần.
Bên cạnh đó, cán bộ cơ quan đăng ký kinh doanh không xem xét hồ sơ trong một lần mà mỗi lần xem xét hồ sơ lại sửa một số lỗi khác nhau, khiến doanh nghiệp phải tiến hành sửa đổi, bổ sung nhiều lần thì bộ hồ sơ mới được chấp nhận.
Trong khi đó, theo một đại diện Phòng Đăng ký kinh doanh, họ phải yêu cầu doanh nghiệp sửa lại hồ sơ nhiều lần khi các tài liệu mà doanh nghiệp đính kèm chưa đáp ứng được yêu cầu hoặc không phản ánh đúng chính xác thông tin cần kê khai.
Kết quả khảo sát trong năm 2022 của nhóm thủ tục hành chính khởi sự doanh nghiệp cũng ghi nhận một tỷ lệ cao các doanh nghiệp nộp hồ sơ thông qua phương thức trực tuyến. Kết quả so sánh cho thấy tổng thời gian thực hiện thủ tục trong trường hợp nộp hồ sơ trực tuyến nhanh hơn gấp 2 lần so với thời gian tương ứng trong trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp (7,5 giờ so với 16,4 giờ).
Doanh nghiệp chỉ mất trung bình 0,4 giờ để nộp hồ sơ trực tuyến, nhanh hơn gấp 3 lần so với thời gian trung bình nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan nhà nước (1,3 giờ).
Chi phí trực tiếp để thực hiện các thủ tục hành chính trong nhóm thủ tục hành chính khởi sự doanh nghiệp chủ yếu bao gồm: chi phí in ấn, sao chụp, chứng thực tài liệu; chi phí nộp cho cơ quan nhà nước: lệ phí đăng ký thành lập doanh nghiệp, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp; lệ phí môn bài.
Chi phí trực tiếp trung bình mà mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra để thực hiện một thủ tục hành chính về khởi sự doanh nghiệp là 476.200 đồng.
Doanh nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long phải bỏ ra 171.000 chi phí trực tiếp để thực hiện một thủ tục hành chính về khởi sự doanh nghiệp. Trong khi đó, con số này ở Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là 1,2 triệu đồng.
Đặc biệt, chi phí trực tiếp trung bình mà doanh nghiệp Phú Thọ bỏ ra để thực hiện một thủ tục hành chính về khởi sự doanh nghiệp là 0 đồng./.