MAS duy trì lập trường chính sách trung lập cho đồng đôla Singapore

MAS cho biết sẽ vẫn duy trì biên độ chính sách hiện hành đối với đồng đôla Singapore với biên độ là 0%, bất chấp tăng trưởng kinh tế chậm lại và lạm phát ở mức thấp.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Neamboard)

Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (Ngân hàng Trung ương-MAS) ngày 14/10 cho biết sẽ vẫn duy trì biên độ chính sách hiện hành đối với đồng đôla Singapore với biên độ là 0%, bất chấp tăng trưởng kinh tế chậm lại và lạm phát vẫn ở mức thấp.

MAS cho biết lập trường chính sách này được đưa ra là phù hợp với "dự báo triển vọng khiêm tốn hơn cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2016."

Theo MAS, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore ​​sẽ không có mức tăng trưởng đáng kể trong năm 2017, phản ánh nhu cầu toàn cầu yếu và mang tính chu kỳ cũng như yếu tố cấu trúc của nền kinh tế Đảo quốc Sư tử vốn chủ yếu là dựa vào xuất khẩu.

Động thái này của MAS được cho là phù hợp với kỳ vọng của các nhà kinh tế cũng như giới quan sát, trong bối cảnh số liệu kinh tế quý 3 vừa công bố không đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng.

Cũng theo MAS, dự kiến lạm phát lõi sẽ tăng nhẹ vào khoảng 1% trong năm nay và dao động ở mức từ 1-2% trong năm 2017, trong bối cảnh giảm sút của thị trường lao động và sức mua tiêu dùng giảm.

Do nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, nên MAS sử dụng chính sách tiền tệ thay vì lãi suất như một công cụ để hỗ trợ nền kinh tế trong nước.

Theo đó, Singapore kiểm soát giá trị đồng SGD so với một giỏ các đồng tiền của các đối tác và đối thủ thương mại lớn.

Điều này cho phép MAS điều chỉnh biên độ tỷ giá đồng đô la Singapore tăng hoặc giảm so với các đồng tiền của các đối tác thương mại chính trong một biên độ giao dịch dựa trên tỷ giá hối đoái danh nghĩa (Neer).

Trước đó, vào tháng Tư, trong một động thái được cho là khá bất ngờ, MAS đã thông báo nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm kích hoạt nền kinh tế đang ì ạch khi giới phân tích cảnh báo nguy cơ suy giảm kinh tế.

Các nhà phân tích nhận định nếu rủi ro chính trị tại các cuộc bầu cử Mỹ, trưng cầu dân ý ở Italia và cuộc bầu cử châu Âu có tác động tiêu cực tới thị trường tài chính trong một thời gian lâu dài, thì nhiều khả năng MAS sẽ phải nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2017/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục