Nhằm hạn chế tình trạng vi phạm luật giao thông, cảnh sát giao thông Ấn Độ đã nghĩ ra một ý tưởng "không giống ai," đó là hóa trang những con manơcanh giống cảnh sát rồi đặt tại các giao lộ.
Du khách tới thăm thành phố Bangalore, miền Nam Ấn Độ, có thể dễ dàng bắt gặp những con manơcanh cảnh sát giao thông, được đội mũ, khoác áo sơmi trắng, áo khoác phản quang cùng với phù hiệu cảnh sát, được đặt tại các giao lộ lớn. Một số manơcanh cảnh sát còn đeo kính mát và khẩu trang.
Cảnh sát gọi đây là chiến thuật "trốn tìm," nhấn mạnh ý tưởng này không nhằm hù dọa mọi người, mà hy vọng những con manơcanh cảnh sát sẽ có tác động tâm lý, khiến người dân tuân thủ luật lệ giao thông.
Với 8 triệu phương tiện lưu thông trên các con đường tấp nập, cảnh sát giao thông Bangalore cho biết họ không đủ quân số để điều phối tất cả các giao lộ.
Theo cảnh sát, có 44.000 nút giao thông trong thành phố song chỉ có 450 điểm có đèn giao thông lắp cố định, số còn lại do cảnh sát giao thông điều phối hoặc hoàn toàn không được quản lý.
[Ấn Độ: New Delhi trải qua mùa Đông lạnh nhất trong một thế kỷ]
Bangalore, được ví như Thung lũng Silicon của Ấn Độ, là nơi sinh sống của khoảng 13 triệu người. Trung bình mỗi ngày lại có hai người tử vong do tai nạn giao thông trên các con đường ở thành phố này với hơn 4.283 vụ tai nạn được ghi nhận từ tháng 1-11 năm nay, chủ yếu do lái xe sau khi uống rượu, chạy quá tốc độ và tài xế phớt lờ các tín hiệu giao thông.
Thống kê chính thức cho thấy có 50.457 trường hợp chạy xe bất cẩn và 57.394 trường hợp khác do say rượu khi lái xe.
Ý tưởng manơcanh cảnh sát trên đã nhận được phản ứng trái chiều từ người dân. Một số người gọi đây là ý tưởng mới mẻ, mang tính đột pháp, bởi tâm lý chung của mọi người là khi nhìn thấy bóng dáng cảnh sát, họ sẽ sợ và chấp hành nghiêm túc luật giao thông. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến hoài nghi, cho rằng chiến thuật này sẽ không hiệu quả./.