Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ sắp tới, cảnh sát giao thông và các lực lượng khác sẽ tập trung xử lý tình trạng uống bia rượu điều khiển phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là ở khu vực nông thôn bởi đây là tình trạng rất phổ biến mỗi dịp Tết.
Trong 5 ngày nghỉ Tết năm ngoái đã có 195 người chết và 247 người bị thương vì tai nạn giao thông, trong đó 70% số vụ tai nạn xảy ra liên quan đến bia rượu. Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra ở các vùng nông thôn làm chết một lúc 3 – 4 người.
Để đảm bảo an toàn giao thông trước, trong và sau Tết, lực lượng chức năng sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát ở những tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trọng điểm, những điểm vui chơi Tết và lễ hội xuân để giảm ùn tắc và không để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng; kiểm soát chặt chuyện tăng giá vé cũng như việc chuẩn bị phương tiện của các đơn vị vận tải trong và ngoài nhà nước đảm bảo không để người dân nào không được về quê ăn Tết vì không có phương tiện, không mua được vé.
Các bến xe, các nhà xe phải đảm bảo những điều kiện tốt nhất có thể để phục vụ hành khách trong dịp Tết này. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra các bến xe, các nhà ga, thăm hỏi, động viên các cán bộ công nhân viên, tài xế, lái xe điều khiển phương tiện, đồng thời tiếp tục lập đường dây nóng trong dịp Tết. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khuyến cáo những người tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng như tàu hỏa, xe khách nên vào trong bến mua vé để đảm bảo trật tự an toàn giao thông và mua được vé đúng giá.
Mới đây, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành công điện chỉ đạo các địa phương triển khai các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Ngọ và các lễ hội xuân.
Theo đó, các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra theo các chuyên đề, nhóm đối tượng, ứng trực thường xuyên trên các tuyến giao thông trọng điểm, các khu vực giao thông phức tạp có nguy cơ ùn tắc cao, trọng tâm là các đô thị lớn và các tuyến Quốc lộ chính bao gồm: 1, 3, 5, 14, 18, 51; xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm như chạy quá tốc độ quy định, chở quá tải, quá số người quy định, vi phạm nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy, vi phạm quy định về thời gian lái xe, trả đón khách không đúng nơi quy định, sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật; tăng cường kiểm tra giám sát tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật của phương tiện vận chuyển hành khách, ngăn ngừa tình trạng tăng giá vé trái quy định và các tiêu cực trong bán vé tàu, xe./.