Mạng xã hội YouTube đang vi phạm những gì tại Việt Nam?

Nhiều thương hiệu sản phẩm lớn tại Việt Nam đang chạy quảng cáo ngay trên các video YouTube có nội dung phản cảm, bạo lực, tuyên truyền thông tin xấu độc, chống phá chế độ.
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông vào tháng 12/2018, YouTube là một trong những trang web được người dùng truy cập và chia sẻ nhiều nhất với xấp xỉ 22 triệu người sử dụng. 

Có quá nhiều lợi ích từ YouTube tới mức nhiều người coi đây không chỉ là một trang mạng xã hội mà còn là một công cụ tìm kiếm bất cứ thứ gì liên quan đến phim ảnh, ca nhạc, thời sự…

Thế nhưng đi kèm với sự tiện lợi là hàng loạt sai phạm đã và đang diễn ra hàng giờ trên trang web này.

Tràn lan nội dung xấu

Thông báo chính thức của Google với Bộ Thông tin và Truyền thông tính đến tháng 5/2019 cho thấy, YouTube có 5 MCN (Mạng lưới đa kênh - là các nhà cung cấp dịch vụ của bên thứ ba liên kết với nhiều kênh YouTube để cung cấp dịch vụ) tại Việt Nam (Yeah1, POPS, METUB, Điền Quân, BHMedia), quản lý khoảng 6.000 kênh YouTube Tiếng việt.

Tuy nhiên, qua rà soát của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, hiện YouTube đang trực tiếp quản lý 130.000 kênh tiếng Việt. Và, sai phạm trên YouTube lại chủ yếu đến từ 130.000 kênh này.

[Lãnh đạo YouTube đã bỏ qua các cảnh báo, cho phép các video độc hại]

Đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết ba sai phạm chính của Google ở Việt Nam là cơ chế quản lý nội dung đăng tải lỏng lẻo; không kiểm soát được hoạt động đăng phát quảng cáo trên các clip YouTube và mạng lưới quảng cáo Google Adsense; cho phép người dùng mua quảng cáo trực tiếp với YouTube, Google không thông qua đại lý quảng cáo trong nước.

Cụ thể, qua rà soát của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay trên YouTube có khoảng 55.000 video clip có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật. Mặc dù thời gian qua, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 8.000 video clip xấu độc trên Youtube theo yêu cầu của nhà chức trách nhưng do cơ chế quản lý nội dung trên YouTube còn rất nhiều bất cập nên việc ngăn chặn gỡ bỏ này như "bắt cóc bỏ đĩa."

Nguyên nhân của sự tồn tại hơn 55.000 video xấu độc là do bộ lọc của YouTube hoạt động chưa hiệu quả, vẫn còn kẽ hở để người sử dụng đăng tải nội dung vi phạm "núp" dưới những tiêu đề, chuyên mục lành mạnh.

Chẳng hạn có những tên tiêu đề rất lành mạnh nhưng lại chứa nội dung dung tục, khiêu dâm. Ngoài ra, có nội dung được đặt vào những vị trí không phù hợp. Ví dụ nội dung lẽ ra phải đặt ở mục người lớn thì lại đặt ở mục trẻ em...

Mạng xã hội YouTube đang vi phạm những gì tại Việt Nam? ảnh 1Các nội dung độc hại 'núp' dưới bóng các kênh hoạt hình cho trẻ em đang hoành hành trên YouTube. (Ảnh chụp màn hình)

Theo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, cơ chế kiểm duyệt của YouTube phụ thuộc vào hậu kiểm dẫn đến người dùng dễ dàng đăng tải các clip vi phạm, trong khi quy trình thẩm định và gỡ bỏ clip vi phạm mất nhiều thời gian. Phía Việt Nam phải mất 1,5 năm (từ đầu năm 2018 đến giữa năm 2019) làm việc với Google để gỡ 8.000 video có nội dung xấu độc nhưng việc đăng tải các video xấu, độc khác lại rất nhanh.

Trong 2 năm vừa qua, Google cũng đã hợp tác tích cực với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ những video clip xấu độc theo yêu cầu của Bộ. Tuy nhiên, tình trạng các clip xấu độc được đăng tải trên nền tảng này vẫn còn rất nhiều và có chiều hướng gia tăng.

Google hiện nay cũng không có biện pháp ngăn chặn người dùng đăng lại những clip vi phạm đã bị bóc gỡ theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Ví dụ kênh Khá Bảnh chỉ mất 6 tiếng để gỡ nhưng lại không có cơ chế giám sát những clip bị gỡ. Vì thế ngay sau đó, những video này được đăng tải lại và vẫn thu hút nhiều người xem.

Ngoài ra, Google vẫn cho phép bật tính năng suggest (gợi ý) cho những kênh, clip xấu độc, khiến các nội dung xấu độc chiếm tỷ lệ rất nhỏ trên YouTube (0,1%) nhưng lại bị phát tán, lan truyền rất mạnh mẽ.

Mạng xã hội YouTube đang vi phạm những gì tại Việt Nam? ảnh 2Các video của Khá Bảnh nhanh chóng được đăng tải lại dù kênh này đã bị xóa sổ. (Ảnh chụp màn hình)

Theo đại diện Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, cùng với sai phạm của nhà cung cấp dịch vụ còn có sai phạm của các nhà sáng tạo nội dung của Việt Nam trên YouTube. Từ 2016 đến nay, xu thế làm nội dung trên YouTube để được tiền quảng cáo tại Việt Nam đang nở rộ một cách không kiểm soát.

[Đã có công cụ để quản lý nội dung xấu độc trên mạng xã hội]

Báo cáo của YouTube gửi Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện có rất nhiều nội dung vi phạm đến từ Việt Nam, chủ yếu do các nhà sáng tạo nội dung của Việt Nam làm ra. Sai phạm chủ yếu là nội dung gợi dục, kích động bạo lực, giang hồ mạng, cổ vũ cờ bạc, chơi ma túy, sử dụng nhạc, hình ảnh vi phạm bản quyền. Nhiều nội dung gây hại cho trẻ em như video vi phạm thuần phong mỹ tục. Những người nhận nút vàng, nút bạc của YouTube thường đăng tải các nội dung lành mạnh sau đó chuyển sang các nội dung không lành mạnh.

Cùng với đó, hiện tại trên YouTube đang tái diễn tình trạng quảng cáo của các thương hiệu nhãn hàng uy tín được gắn vào các clip phản động chống phá nhà nước. Đặc biệt, dòng tiền quảng cáo này lại được YouTube chia sẻ cho các đối tượng sản xuất clip xấu độc, phản động, vô hình chung gián tiếp tiếp tay cho các hoạt động chống phá.

Mạng xã hội YouTube đang vi phạm những gì tại Việt Nam? ảnh 3Các nhãn hàng lớn đang quảng cáo tại một kênh YouTube có nội dung phản động, bôi xấu chế độ. (Ảnh chụp màn hình)

Có thể nói, đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quảng cáo; là nguy cơ đáng lo ngại, gây ảnh hưởng đến sự an toàn, uy tín của các thương hiệu, doanh nghiệp. Việc tái diễn tình trạng này cho thấy các biện pháp khắc phục của Google không giải quyết được triệt để, gây rủi ro các thương hiệu khi quảng cáo trên YouTube.

Giải pháp ngăn chặn

Đại diện Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, thời gian tới sẽ yêu cầu YouTube định danh các kênh YouTube tiếng Việt (có chứng minh, đăng ký với cơ quan nhà nước).

Theo đó, chỉ kênh được định danh và không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật thì mới có thể xem xét chia sẻ tiền quảng cáo. Đối với kênh đã bị Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo vi phạm thì không được chia sẻ tiền quảng cáo. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ dòng tiền quảng cáo trên YouTube và Google.

Cơ quan chức năng cũng yêu cầu YouTube bỏ tính năng suggest (gợi ý) đối với các kênh mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã thông báo vi phạm. Bổ sung cơ chế không cho người dùng đăng lại clip vi phạm đã bị gỡ bỏ trước đây và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc phối hợp ngăn chặn gỡ bỏ với các clip, kênh vi phạm.

Đặc biệt, cơ quan quản lý cũng yêu cầu Google nghiên cứu mở văn phòng đại diện hoặc chi nhánh công ty tại Việt Nam để chăm sóc khách hàng (người dùng, nhãn hàng, thương hiệu, quảng cáo), thực hiện các nghĩa vụ về thuế và quản lý nội dung với nhà nước.

Cùng với đó, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cũng yêu cầu các đại lý quảng cáo chủ động rà soát, tuyệt đối không quảng cáo trong các clip YouTube có nội dung xấu độc, phản động, chống phá Đảng, Nhà nước; cảnh báo với Google nhằm bảo đảm hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo của công ty phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Với người mua quảng cáo, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử khuyến nghị không mua quảng cáo trực tiếp với YouTube, Google. Nhà chức trách cũng sẽ lập danh sách các nhà sáng tạo nội dung chuyên nghiệp kiếm tiền trên YouTube để quản lý đồng thời phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế... xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Mạng xã hội YouTube đang vi phạm những gì tại Việt Nam? ảnh 4Yeah1 - Một MCN nổi tiếng tại Việt Nam vừa bị ngừng hợp tác vì vi phạm nhiều chính sách của YouTube. (Nguồn ảnh: Internet)

Đối với các MCN tại Việt Nam, lãnh đạo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử yêu cầu báo cáo toàn diện về hoạt động hợp tác của doanh nghiệp với YouTube trong vai trò là MCN. Cùng với đó, phải cung cấp thông tin chi tiết của các kênh YouTube nằm trong mạng lưới của công ty. Các MCN phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc quản lý nội dung, quản lý quảng cáo, thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước đối với những kênh YouTube trong mạng lưới.

Đại diện Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cũng cho biết đang tiến hành nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý các MCN và các kênh YouTube phát sinh thu nhập nằm ngoài các MCN tại Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục