Twitter sẽ sớm cho phép người dùng thực hiện các cuộc gọi và gửi tin nhắn được mã hóa trên nền tảng này. Thông tin đã được chủ sở hữu Twitter, tỷ phú Elon Musk, công bố hôm 9/5.
"Trò chuyện bằng âm thanh và video, từ thiết bị cầm tay của bạn tới bất kỳ ai trên nền tảng này (Twitter) là chuyện sắp diễn ra. Bạn sẽ có thể trò chuyện với mọi người ở bất kỳ nơi nào trên thế giới mà không cần phải cho họ biết số điện thoại của mình," Musk viết trong một tin nhắn gửi lên Twitter.
Nếu tính năng thực hiện cuộc gọi được triển khai, Twitter sẽ tiến lên ngang hàng với các nền tảng mạng xã hội khác như Facebook và Instagram. Mush cho biết thêm rằng một phiên bản nhắn tin được mã hóa sẽ đi vào hoạt động trên Twitter từ ngày 10/5. Tuy nhiên ông không tiết lộ các cuộc gọi thực hiện trên Twitter có được mã hóa hay không.
Sau khi mua lại Twitter trong thương vụ trị giá 44 tỷ USD hồi năm ngoái, Musk đã thông báo cái gọi là Twitter 2.0 - một thuật ngữ mà ông sử dụng để mô tả tầm nhìn của mình về mạng xã hội này.
Twitter 2.0 trong hình dung của Musk sẽ có những tính năng như mã hóa tin nhắn, bài đăng dài hơn (hiện đang giới hạn ở mức 280 ký tự) và đi kèm với một dịch vụ thanh toán. Musk nhấn mạnh việc mã hóa tin nhắn trực tiếp (DM) là ưu tiên hàng đầu trong việc xây dựng Twitter 2.0. "Dù bị dí súng vào đầu, tôi hay bất kỳ ai cũng không thể đọc được tin nhắn trực tiếp của bất kỳ người dùng nào", Musk chia sẻ thêm về sức mạnh của tin nhắn được mã hóa. Musk còn đặt tham vọng thực hiện các cuộc gọi bảo mật mà không cần cung cấp số điện thoại trên Twitter.
[Twitter thông báo xóa các tài khoản đã lâu không hoạt động]
Twitter cho biết, trong tuần này công ty sẽ bắt đầu hoạt động "dọn dẹp" nền tảng, bằng cách xóa và lưu trữ các tài khoản ít hoạt động. "Chúng tôi đang xóa các tài khoản không có hoạt động nào trong những năm gần đây. Do đó bạn có thể sẽ thấy số lượng người theo dõi của mình bị sụt giảm", Elon Musk nói trong một tin nhắn tweet đăng hôm 8/5.
Trên Twitter và các nền tảng mạng xã hội khác, mỗi tài khoản có một tên đăng nhập, cũng là đường link để truy cập nhanh vào tài khoản đó. Vì vậy, nếu có người đặt tên trước, người sau sẽ phải dùng tên khác hoặc thêm các ký tự để tránh trùng lặp.
Cách làm của tỷ phú Musk được cho là sẽ sàng lọc và loại bỏ những tên tài khoản cũ, lâu không hoạt động, qua đó dành chỗ cho các tài khoản đang hoạt động. Ngoài ra, đây cũng là cách để mạng xã hội này lọc tài khoản không có giá trị và xác định được tiềm năng của việc hiển thị quảng cáo.
Tuy nhiên, quyết định này cũng gây không ít tranh cãi. Bên cạnh một số ý kiến ủng hộ, thậm chí đề xuất Twitter có thể đấu giá tên để kiếm thêm doanh thu, một số khác cho rằng các tài khoản lâu năm thường mang ý nghĩa kỷ niệm và một số không nhỏ còn thuộc về những người đã qua đời.
Người dùng Eva Amsen chia sẻ: "Tôi có một người bạn từng hoạt động rất tích cực trên Twitter, nhưng đã qua đời năm 2019. Đến nay tài khoản đó vẫn là nơi họ tưởng nhớ cô ấy. Không ai muốn thấy nó biến mất".
Xóa tài khoản ít hoạt động là sự điều chỉnh mới nhất được Twitter thực hiện, sau một loạt các quyết định như cắt giảm nhân sự và loại bỏ dấu tích xanh - biểu tượng xác minh tài khoản chính chủ - vốn được cung cấp miễn phí trước đó.
Tuy nhiên giới quan sát đánh giá những động thái như vậy sẽ khiến người dùng, và nghiêm trọng hơn là các nhà quảng cáo, dần rời bỏ Twitter. Hồi tháng 4 năm nay, các công ty phân tích thị trường Insider Intelligence dự báo doanh thu từ quảng cáo của Twitter sẽ giảm 28% xuống còn 2,98 tỷ USD trong năm 2023. Con số trên thấp hơn so với dự báo 4,74 tỷ USD được đưa ra trước đó, do mức tín nhiệm đối với mạng xã hội này đang giảm dần. Được biết, ngay sau khi Musk mua lại Twitter, một số nhà quảng cáo lớn đã đình chỉ hoạt động trên nền tảng này, liên quan tới các quyết định điều hành của ông./.