Mạng xã hội TikTok bị kiện vì nội dung độc hại cổ xúy hành vi tự tử

Mới đây, tại Pháp, 7 gia đình đã đâm đơn kiện mạng xã hội TikTok, cáo buộc nền tảng này khiến con em họ ở tuổi vị thành niên tiếp xúc với nội dung độc hại, dẫn đến việc 2 trẻ tự tử khi mới 15 tuổi.

Mạng xã hội TikTok bị kiện vì nội dung độc hại cổ xúy hành vi tự tử

TikTok từng bị chỉ trích vì cho phép trẻ em dễ dàng vượt qua cơ chế xác minh tuổi, từ đó truy cập nội dung không phù hợp. Mặc dù TikTok cung cấp chế độ "Kids Mode" (Chế độ dành cho trẻ em), nhiều trẻ vẫn khai báo sai tuổi để truy cập phiên bản đầy đủ, dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng về tâm lý và hành vi.

Mới đây, tại Pháp, 7 gia đình đã đâm đơn kiện mạng xã hội TikTok, cáo buộc nền tảng này khiến con em họ ở tuổi vị thành niên tiếp xúc với nội dung độc hại, dẫn đến việc 2 trẻ tự tử khi mới 15 tuổi.

Các gia đình cáo buộc rằng thuật toán của TikTok khiến 7 thanh thiếu niên tiếp xúc với nội dung cổ xúy hành vi tự tử, tự làm hại bản thân hoặc rối loạn ăn uống, theo lời luật sư Laure Boutron-Marmion trong cuộc trao đổi với trang tin France Info của Pháp.

“Các phụ huynh này muốn TikTok phải chịu trách nhiệm hình sự trong vụ việc,” nữ luật sư nói, cho biết thêm rằng: “Đây (TikTok) là một công ty giải trí cung cấp sản phẩm cho người dùng, phần lớn là trẻ vị thành niên. Vì vậy, họ cần phải trả lời về những sai sót trong sản phẩm của mình.”
TikTok, giống như nhiều nền tảng mạng xã hội khác, đang bị chỉ trích về chính sách quản lý nội dung trên ứng dụng của mình. Giống như Meta với hai mạng xã hội Facebook và Instagram, TikTok đã đối mặt với hàng trăm đơn kiện tại Mỹ, cáo buộc rằng nền tảng này dụ dỗ và khiến hàng triệu trẻ em nghiện sử dụng mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần.
Cụ thể vào tháng 8 năm nay, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đã kiện TikTok với cáo buộc không bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em. Trong vụ kiện, DOJ cho biết ByteDance, công ty mẹ của TikTok, đã vi phạm luật liên bang yêu cầu các ứng dụng phải có sự đồng ý của phụ huynh trước khi thu thập thông tin cá nhân của trẻ em dưới 13 tuổi.

Đơn khiếu nại của DOJ "cũng cho biết các công ty đã không tôn trọng yêu cầu của phụ huynh muốn xóa tài khoản của con mình và đã chọn không xóa tài khoản ngay cả khi các công ty biết rằng nó thuộc về trẻ em dưới 13 tuổi".

Trong một tuyên bố gửi tới tờ Newsweek liên quan tới vụ kiện của DOJm một người phát ngôn của TikTok khẳng định các cáo buộc "liên quan đến những sự kiện và hoạt động trong quá khứ không chính xác về mặt thực tế, hoặc đã được giải quyết".

"Chúng tôi tự hào về những nỗ lực bảo vệ trẻ em và sẽ tiếp tục cập nhật, cải thiện nền tảng", tuyên bố cho biết. "Để đạt được mục tiêu, chúng tôi cung cấp các trải nghiệm phù hợp với lứa tuổi với nhiều biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt, chủ động xóa người dùng bị nghi ngờ là chưa đủ tuổi và đã tự nguyện triển khai các tính năng như giới hạn thời gian sử dụng màn hình mặc định, ghép đôi gia đình và những biện pháp bảo vệ quyền riêng tư bổ sung với trẻ vị thành niên".

Tháng 10 vừa qua, một nhóm 13 tiểu bang ở Mỹ đã đệ đơn kiện TikTok, cáo buộc nền tảng gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của trẻ em thông qua thuật toán gây nghiện, các tính năng như cuộn vô tận và bộ lọc khuôn mặt tạo ra những tiêu chuẩn không thực tế về hình thể. TikTok bị cáo buộc tiếp tục áp dụng các thủ thuật này, dù biết rõ chúng gây tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm lý và thể chất của người dùng, như lo âu, trầm cảm và nhiều vấn đề lâu dài khác.
Không chỉ vậy, nhiều vụ việc cho thấy trẻ em bị lôi kéo thực hiện các thử thách nguy hiểm từ TikTok, trong đó có 6 trường hợp tử vong khi thực hiện thử thách lướt trên nóc tàu điện ngầm - "subway surfing"​ vào đầu tháng 10.

TikTok hiện vẫn chưa đưa ra bình luận trực tiếp về vụ kiện mới. Trước đó, công ty tuyên bố rằng luôn coi trọng các vấn đề về sức khỏe tinh thần của trẻ em.

TikTok là một nền tảng mạng xã hội tập trung vào việc chia sẻ video ngắn, được phát triển bởi công ty công nghệ ByteDance của Trung Quốc. Ra đời từ ứng dụng Douyin - được ByteDance giới thiệu tại Trung Quốc vào tháng 9/2016, nền tảng này nhanh chóng thu hút người dùng trẻ nhờ khả năng tạo, chỉnh sửa và chia sẻ video ngắn với hiệu ứng và âm nhạc.

Để mở rộng thị trường quốc tế, ByteDance ra mắt TikTok vào tháng 9/2017 với tính năng tương tự Douyin, nhưng dành cho người dùng toàn cầu. Tháng 11/2017, ByteDance mua lại Musical.ly, một nền tảng video ngắn phổ biến tại Mỹ và Châu Âu, với giá 1 tỷ USD. Đến tháng 8/2018, Musical.ly được sáp nhập vào TikTok, giúp nền tảng này mở rộng đáng kể tại các thị trường phương Tây.

Trong giai đoạn 2019-2020, TikTok bùng nổ toàn cầu, trở thành một hiện tượng nhờ giao diện thân thiện, thuật toán gợi ý nội dung thông minh và sự phổ biến của các thử thách (challenges) lan truyền nhanh chóng. Ứng dụng này đạt 1 tỷ lượt tải xuống vào năm 2019 và trở thành công cụ phổ biến cho nhiều nhà sáng tạo nội dung, nghệ sĩ và thương hiệu để tiếp cận khán giả trẻ.

Tuy nhiên, TikTok cũng đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là những lo ngại về bảo mật dữ liệu tại các quốc gia như Mỹ và Ấn Độ, dẫn đến việc bị cấm tại Ấn Độ vào tháng 6/2020. Ngoài ra, TikTok cũng chịu áp lực phải tuân thủ các quy định pháp lý và tăng cường kiểm soát nội dung trên nền tảng.

Đến nay, TikTok tiếp tục cải tiến với các tính năng mới như TikTok Shop và hỗ trợ video dài hơn (tối đa 10 phút), đồng thời mở rộng cơ hội kiếm tiền cho nhà sáng tạo nội dung. Tính đến năm 2024, TikTok là một trong những nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới, với hàng tỷ người dùng tại nhiều quốc gia, định hình lại cách người dùng tiếp cận và chia sẻ nội dung trực tuyến, trở thành một phần quan trọng trong văn hóa mạng xã hội hiện đại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục