Điện thoại thông minh và các mạng xã hội ở Mỹ đã góp phần đấu tranh chống phân biệt chủng tộc khi đẩy những vụ phân biệt chủng tộc tưởng chừng “như chỉ thoáng qua này” trở thành tiêu điểm, cho thấy “nỗi hổ thẹn” về phân biệt đối xử ở xứ cờ hoa.
Hồi tháng 4, chuỗi nhà hàng cà phê Starbucks đã bị “ném đá” trên mạng sau khi một quản lý nhà hàng của Starbucks ở thành phố Philadelphia gọi điện báo cảnh sát về hai đối tượng tình nghi người da màu khi họ đã không gọi đồ uống trong quán trong khi chờ một người bạn.
[Tổng thống Mỹ ký ban hành nghị quyết lên án phân biệt chủng tộc]
Một video quay cảnh cảnh sát bắt những người đàn ông này đã được tung lên mạng và gây ra làn sóng phản đối trên toàn quốc, dẫn đến Starbucks phải thực hiện một khóa đào tạo chống phân biệt chủng tộc trong toàn hãng.
Theo Giáo sư Makana Chock chuyên ngành tâm lý truyền thông tại Đại học Syracuse ở New York, truyền thông xã hội và các máy ảnh trên điện thoại đã giúp người dân ghi lại và nhanh chóng phát tán những vụ phân biệt chủng tộc và quấy rối theo cách trước đây chưa từng có. Nhờ đó, những vụ việc đáng lẽ có thể bị bỏ qua hoặc bị đánh giá là thổi phồng sẽ không còn bị “phớt lờ” nữa.
Hồi tháng 6, ở bang Nam Carolina, một phụ nữ da trắng đã yêu cầu một thiếu niên da màu ra khỏi bể bơi công cộng và đánh cậu bé trước khi đe dọa gọi cảnh sát.
Các cư dân mạng gọi người phụ nữ này là "Pool Patrol Paula" (tạm dịch "Paula tuần tra bể bơi"). Tiếp đó, ngay tuần trước, một phụ nữ ở thành phố San Francisco cũng gọi cảnh sát vì việc một cô bé da màu 8 tuổi các bán chai nước trên vỉa hè.
Người phụ nữ này hiện được cư dân mạng gọi là "Permit Patty" ("Patty cho phép").
Victoria Wolcott, một chuyên gia về lịch sử người Mỹ gốc Phi tại Đại học Buffalo, nhận định: “Một số người da trắng gắn người Mỹ gốc Phi với tình trạng mất trật tự, bạo lực hay thiếu sạch sẽ và góc độ nào đó là mối đe dọa.
Người da trắng biết rằng không thể đuổi một ai đó vì chủng tộc của họ nên người da trắng gọi cảnh sát hoặc lên tiếng phản đối người da màu bởi đó là những cách hợp pháp.”
Theo chuyên gia Wolcott, bể bơi công cộng và công viên từ lâu đã trở thành nơi hay xảy ra các vụ phân biệt chủng tộc.
Ngoài ra,bà cho rằng một số người có tư tưởng phân biệt chủng tộc cảm thấy thoải mái hơn khi nói ra được cảm nghĩ của mình, trong khi những người chống phân biệt chủng tộc thì lại cảm thấy cần phải tranh luận vấn đề này ngay lập tức. Trước đây, họ có thể là những người bàng quan, không nói hoặc không can thiệp vào, nhưng hiện họ có khả năng “lên tiếng” nhiều hơn.
Do vậy, đối với "Permit Patty" và "Pool Patrol Paula", vụ kiện pháp lý không phải là vấn đề duy nhất. Do phản ững dữ dội, "Permit Patty" đã phải từ chức giám đốc điều hành công ty của mình và "Pool Patrol Paula" cũng bị đuổi khỏi công việc quản lý bất động sản./.