Vỡ mộng, mắc nợ vì... khoai

Mang nợ nần chỉ vì "giấc mộng" khoai lang tím Nhật

Những hệ lụy sau bao lần "vỡ mộng" làm giàu từ bỏ lúa trồng các nông sản khác dường như vẫn chưa đủ để cảnh tỉnh người dân...
Bất chấp những cảnh báo, nông dân trồng khoai ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và đặc biệt là ở tỉnh Vĩnh Long vẫn đang đầu tư, mở rộng diện tích khi thời gian qua giá khoai lang rớt thê thảm.

Những hệ lụy sau bao lần "vỡ mộng" làm giàu từ loại nông sản này dường như vẫn chưa đủ để cảnh tỉnh người dân, trong khi giá trị đích thực của củ khoai chỉ mong manh như là "ảo giác"…

Giấc mộng làm giàu từ… khoai lang tím

Trong chuyến công tác đến hai huyện Bình Minh và Bình Tân (Vĩnh Long), hỏi anh tài xế đi đường đặc sản của địa phương thì nhận được câu trả lời cụt lủn: “Khoai lang tím Nhật.”

Những tưởng câu chuyện hấp dẫn chúng tôi, anh lái xe lại ngao ngán thở dài bảo, mấy năm trước, trồng khoai được mùa trúng giá nên người dân bỏ lúa trồng khoai, thi nhau mở rộng diện tích  trồng để xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá khoai lại rớt thê thảm nên dù quá vụ thu hoạch mà nhiều nhà chẳng buồn rỡ củ để bán.

Mục sở thị qua nhiều cánh đồng, từng luống khoai đến vụ nhưng cũng chả ai buồn rỡ củ. Có luống, lá đã xác xơ, héo nhuộm cả màu đất. Cả vùng đất rộng lớn, vài người nông dân cầm cuốc xới những rễ có củ khoai to, màu tím trên thửa ruộng của nhà với dáng vẻ nặng nề, ảm đạm.

Trong cái nắng chang chang như đổ lửa, gia đình ông Huỳnh Văn Liệt, ấp Thành Khương, xã Thành Đông thuộc huyện Bình Tân có khoảng 50 người đang phụ giúp rỡ khoai. Khi chúng tôi bắt chuyện, ông Liệt với quần áo lấm lem bùn đất, vẻ mặt mệt mỏi, thở dài: “Khoai nhà đã quá kỳ thu hoạch nhưng đến nay giá bèo quá, gia đình cố “neo” lại chờ giá xem có khá hơn không nhưng cũng chả đủ cả vốn lẫn lời".

Rót chén trà đặc, ngồi bệt trên những lá khoai, ông Liệt bảo, nghề trồng khoai rộ lên vài năm nay, thấy thế, gia đình ông cũng trồng 20 công khoai (1.000m2/công) với năng suất 55 tạ/công.

Theo cách tính của ông Liệt, đầu tư cho 1 công khoai khoảng 8 triệu đồng, cộng với tiền thuê đất 5-6 triệu đồng/công, chưa kể tiền đào mương, chi phí vật tư tổng cộng khoảng 16 triệu đồng/công. Với giá xuất khẩu hiện nay là 240.000 đồng/tạ (60kg) thì tính trừ hết chi phí, gia đình ông sẽ phải bù lỗ khoảng 100 triệu đồng.

“Trồng khoai trên đất nhà sẵn có thì hòa vốn, còn nếu phải đi thuê đất lúa trồng thì cầm chắc lỗ,” ông Liệt lắc đầu nói.

Để có tiền đầu tư vào khoai, ông Liệt đã vay Agribank chi nhánh Bình Tân và hiện nay còn nợ 200 triệu đồng với lãi suất 12%/năm. Việc giá khoai rớt giá, ông Liệt cũng chỉ còn cách viết đơn cam kết xin gia hạn nợ.

Cũng tương tự như gia đình ông Liệt, ông Huỳnh Văn Mước, ấp Thành Quế, xã Thành Đông có 7,5 ha trồng khoai lang tím giống Nhật, góp chuyện: “Giá khoai năm nay là một cú sốc.”

Vốn là người tiên phong và có kinh nghiệm trồng khoai, ông Mước cũng không thể tin rằng, sau hai ba năm trúng giá tới gần 1 triệu đồng/tạ thì đến nay giá chỉ bằng 1/4.

Là người nông dân, ông Mước luôn bị thương lái ép giá hoặc giở những thủ đoạn để hòng thu mua sản phẩm có lợi nhất.

Chứng minh cho điều này, ông Mực thành thật: “Khoai có giá thì chưa đến vụ, tới khi thu hoạch thì rớt giá thảm hại bởi thương lái viện nhiều lý do ép giá.”

Ngoài ra, ông Mước cũng tiết lộ, quanh huyện Bình Tân hiện còn khoảng 19-20 vựa thu mua khoai cung ứng hàng cho thương nhân Trung Quốc và cũng chỉ mua theo mức giá này.

Chưa gắn kết được nông dân và doanh nghiệp

Thực tế, các cơ quan chức năng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có khuyến cáo với nông dân vê việc ồ ạt trồng khoai lang và bỏ lúa để trồng khoai có thể dẫn tới nhiều hệ lụy. Tuy nhiên, không ít nông dân vẫn bất chấp và hiện vẫn trồng tiếp các ruộng khoai lang mới vì theo lý giải của bà con, vùng đất này phèn nhiều nên ngoài trồng lúa ra thì các cây khác cũng sẽ không phù hợp.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Long, vài năm trước, tại tỉnh chỉ có khoảng 4.000 ha khoai lang nhưng đến nay diện tích này đã tăng lên khoảng 11.000 ha gieo trồng. Qua nghiên cứu phân tích chuỗi giá trị khoai lang tại Vĩnh Long, hơn 85% sản lượng xuất khẩu và hơn 14% thông qua kênh tiêu thụ nội địa.

Tuy vậy, do nông dân trồng khoai chủ yếu tự phát, thiếu liên kết và thách thức lớn nhất là đầu ra bấp bênh, lệ thuộc vào đầu mối nước ngoài, không có ràng buộc nào về mặt pháp lý trong giao dịch mua bán. Chính vì vậy cứ khoảng 2 năm được giá thì lại có 1 năm rớt giá.

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hội nông dân huyện Bình Tân phân tích, khi đầu tư trồng khoai, nông dân luôn lấy mức giá cao, từ 800- 1 triệu đồng/tạ để làm mục tiêu phấn đấu, chứ không nghĩ đến việc đề phòng những trường hợp xấu nhất. Đến khi giá khoai tụt giảm thấp hơn nguồn kinh phí đã bỏ ra, nhiều hộ dân đã bị thua lỗ nặng.

Ông Phan Nhựt Ái, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vĩnh Long cho biết: "Chúng tôi cũng đã có nghĩ tới đến việc xây dựng một nhà máy chế biến khoai nhưng chưa làm được vì giá thành nông sản của Việt Nam vẫn cao hơn giá thế giới, trong khi muốn làm mặt hàng chế biến thì giá phải thấp. Còn các nước có nhiều nhà máy chế biến là do cơ giới hóa nên giá thành rẻ và chủ yếu chế biến những loại không đạt tiêu chuẩn nên đầu vào nguyên liệu rất thấp.”

Ngoài ra, ông Ái bổ sung thêm, hiện nay Sở này mới chỉ làm được một việc là mời gọi những doanh nghiệp lớn, có thương hiệu đến Vĩnh Long làm đầu mối mua và xuất khẩu để gắn với hệ thống thương lái hiện nay kinh doanh ổn định và ngày càng mở rộng.

Bên cạnh đó Sở vẫn tiếp tục tạo điều kiện cho các thương lái, tuy nhiên, Sở cũng đang nghiên cứu làm thế nào không để cho các thương lái này cấu kết với nhau dàn xếp giá cả ảnh hưởng đến nông dân.

Để tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân, ông Thành cho biết, trong thời gian qua, một số Hợp tác xã của tỉnh đã nỗ lực tìm thêm thị trường xuất khẩu khoai lang sang thị trường Malaysia, Indonesia và Hồng Kông với giá 7.500 đồng/kg. Đây được xem là hướng đi mới đầy triển vọng.

Song song đó, cần nhanh chóng xây dựng thương hiệu khoai lang để chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch như hiện nay sang xuất khẩu chính ngạch, tăng giá trị và lợi nhuận.

Đề cập đến việc trợ giúp nguồn vốn hoặc gia hạn vay cho người nông dân đầu tư khoai lang, ông Nguyễn Duy Toán, Giám đốc Chi nhánh Agribank Bình Tân cho biết, hiện Agribank Bình Tân cho vay 5.200 hộ trồng khoai, mỗi hộ khoảng 50 triệu đồng mà không cần thế chấp với dư nợ khoảng 290 tỷ đồng.

“Các năm trước nông dân trúng giá thì luôn trả nợ đúng hạn cho ngân hàng. Tuy nhiên, năm nay nhiều gia đình lỗ nặng nên Ngân hàng đã gia hạn nợ cho khoảng gần 1.000 hộ với dư nợ khoảng 48 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nếu các hộ dân có nhu cầu thì Ngân hàng vẫn tiếp tục cho vay mới,” ông Toán khẳng định./.

Minh Thúy - Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục