Tết Giáp Ngọ 2014 đã rất gần, một mùa Xuân mới đang về. Gần 30 thành viên đoàn công tác, trong đó có 21 phóng viên từ khắp mọi miền của Tổ quốc vượt trùng sóng gió tới thăm, tặng quà, chúc Tết, mang hơi ấm mùa Xuân đất liền đến với các cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn radar 451, vùng 4 Hải quân.
Hơn 30 năm công tác, tôi đã biên dịch ra tiếng nước ngoài biết bao tin, bài về Trường Sa, về biển đảo thân yêu của Tổ quốc. Cơ hội lần đầu được trải nghiệm những gì từng đọc, được nghe và từng viết khiến tôi thật sự bồi hồi, háo hức. Và rời Hà Nội một ngày Đông giá rét đầu tháng 1, tôi đến với Cam Ranh nắng vàng rực rỡ, tiết trời mát mẻ để bắt đầu hải trình tới Hòn Tre (Khánh Hòa), Phú Quý (Bình Thuận) và Bình Ba (Khánh Hòa).
Thượng tá Đào Giang Hải, Phó Chính ủy Trung đoàn radar 451 vùng 4 Hải quân cho biết đây là những nơi đóng quân của ba trong bốn trạm thuộc Trung đoàn "Mắt thần của biển," có nhiệm vụ quan sát và quản lý vùng biển trải dài từ bắc Phú Yên tới nam Bình Thuận, trong đó có quần đảo Trường Sa.
Tới Hòn Tre...
Tàu VH785 ngược sóng Cam Ranh ra khơi. Thời tiết xấu, gió mạnh, hầu hết chúng tôi đều mệt lả, say sóng cấp 6, cấp 7. Miên man suy tưởng, tôi thấu hiểu gian khổ của người lính hải quân, quanh năm làm bạn với sóng, gió. Và sau nửa ngày vượt gần 30 hải lý, chúng tôi cập đảo Hòn Tre trên vịnh Nha Trang nổi tiếng.
Nằm trên độ cao 481m so với mực nước biển, Hòn Tre có diện tích 32km2, với khoảng 1.500 dân sinh sống dưới chân núi. Tuy nhiên, trạm radar 565 thuộc Trung đoàn 451 lại đóng trên một đảo độc lập, không có dân, điện từ máy nổ chạy dầu diesel và nước ăn là nước mưa. Thiếu nước sinh hoạt, các chiến sỹ hàng ngày phải xuống tắm giặt dưới suối cách doanh trại khoảng hai cây số. Hàng tuần, họ phải đi ghe về Nha Trang mua thức ăn dự trữ. Để cải thiện bữa ăn, các chiến sỹ đã trồng thêm rau xanh, nuôi đàn lợn, đàn chó, đàn gà... Điều kiện sống khó khăn là vậy, ấy thế mà nơi đây lúc nào cũng vang tiếng nói cười, những điệu hò, câu hát.
Thiếu tá Đỗ Trường Giang, chính trị viên trạm 565 nói: “Tết cổ truyền sắp đến, ai cũng muốn về quê sum họp nhưng khi được quán triệt nhiệm vụ, tất cả các chiến sỹ đều xung phong ở lại đơn vị, bảo vệ chủ quyền biển đảo thân yêu.”
Ra đảo Phú Quý
Sau hai ngày lưu lại Hòn Tre, chúng tôi xuống tàu, lênh đênh khoảng 14 giờ qua 105 hải lý để đến với các chiến sỹ của trạm 575 đặt trên đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Thật may mắn, chặng này thuận gió nên không ai say sóng. Ấy vậy mà khi đặt chân lên đảo, tất thảy đều có cảm giác tròng trành và lần đầu tiên tôi mới thực sự hiểu được hết ý nghĩa cụm từ "say đất" của lính biển.
Ngất ngây “say đất” nhưng tôi vẫn bị hút hồn bởi sắc màu cây cỏ, từ phi lao, dừa trĩu quả, bàng quả vuông... đến hoa giấy hồng tươi, hoa sứ khoe sắc dưới bầu trời trong xanh và nắng vàng rực rỡ. Cảnh quan thật tuyệt, không khí càng trong lành bên biển cả mênh mông.
Nằm giữa đại dương, huyện đảo Phú Quý - Cù lao Thu xinh đẹp gồm ba xã Tam Thanh, Ngũ Phụng và Long Hải, với trên 27.000 dân sinh sống trên 18km2. Huyện đảo chẳng những được ưu đãi về tài nguyên với những ngư trường có trữ lượng cá rất lớn, mà còn là một trong chín điểm du lịch cấp quốc gia với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, môi trường sinh thái trong lành, cảnh quan thơ mộng, mặn mà vị biển. Phú Quý là cửa ngõ vào đất liền và là lối ra Biển Đông, có vị trí chiến lược trên vùng lãnh hải phía nam Tổ quốc.
Đã biết Hòn Tre, ấy vậy mà trạm 575 trên đảo Phú Quý vẫn khiến chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Để cải thiện đời sống và khắc phục khó khăn, chủ động đảm bảo hậu cần cho sứ mạng “Mắt thần của biển,” các chiến sỹ trạm 575 tích cực tăng gia sản xuất, nuôi thêm gà, vịt, chó và đặc biệt là chim bồ câu, trồng rau xanh, cây thuốc. Mỗi tấc đất đều nặng tình chiến sỹ bởi "đơn vị là nhà, biển cả là quê hương." Đây cũng là chủ đề của buổi giao lưu văn nghệ đầy cảm xúc, ghi đậm trong tôi dấu ấn về một huyện đảo với những bãi biển, trường học, bưu điện, trạm xá, chùa chiền, làng cá, chợ quê... và một trạm “Mắt thần” canh giữ cho Tổ quốc bình yên.
Hướng tới đảo Bình Ba
Chia tay Phú Quý, chúng tôi lại lên tàu hướng tới đảo Bình Ba, thuộc xã đảo Cam Bình, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, để đến với các chiến sỹ radar trạm 570.
Trời muốn thử lòng người. Lại gió mùa đông bắc tăng cường. Biển động sóng ngược cấp 7, cấp 8 cứ chồm lên như muốn nuốt chửng con tàu. Nhóm phóng viên nữ chúng tôi nằm bẹp, không thể ngồi dậy ăn và tôi càng thấm thía con người thật nhỏ bé biết chừng nào giữa đại dương mênh mông. Sau một ngày một đêm vượt qua 83 hải lý, tôi lên đảo để “say đất” trong trạng thái “không trọng lượng.”
Bình Ba, còn gọi là "Đảo Tôm hùm" là cửa ngõ của vịnh Cam Ranh chiến lược. Nơi đây có gần 1.000 hộ với khoảng 5.000 dân sinh sống chủ yếu bằng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Biển trong xanh, hiền hòa, cát mịn trải dài những bãi Nồm, bãi Chướng, hòn Khô. Phong cảnh đẹp mà hoang sơ, cư dân hiền lành thật thà là những ấn tượng chung của biết bao du khách đã tới nơi đây.
Doanh trại trạm radar 570 nằm ngay sát bờ biển, ba mặt được núi bao bọc. Biển xanh biếc, triền núi cũng ngút ngàn cây xanh. Giống như 565 và 575, trạm 570 nằm trên độ cao 210m có cùng sứ mạng quan sát và phát hiện mục tiêu trên vùng biển được phân công và trên không phận thấp. Tuổi đời khác nhau, lớp chiến sỹ 570 hôm nay kế tiếp truyền thống đoàn kết một lòng, cùng chính quyền và nhân dân địa phương bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng xã đảo ngày càng vững mạnh.
Tròn 10 ngày qua ba đảo, đoàn chúng tôi trở về đất liền. Đi giữa thủ đô ngày "Ông Công ông Táo," phố phường nhuốm màu hoa, sắc Xuân tôi nao lòng thương nhớ đảo xa. Về với mái ấm gia đình, tôi càng cảm phục sự hy sinh thầm lặng của người chiến sỹ hải quân nơi đầu sóng ngọn gió, càng vững một niềm tin vào những con Mắt thần “nơi biển khơi đang nở rộ ngàn bông hoa san hô”./.