Mạng lưới tổ chức xã hội phụ thuộc chủ yếu vào dự án tài trợ quốc tế

Các tổ chức xã hội đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển và phải đối mặt với nhiều thách thức, việc chia sẻ kinh nghiệm, liên kết giữa sẽ giúp các tổ chức xã hội phát triển bền vững.
Mạng lưới tổ chức xã hội phụ thuộc chủ yếu vào dự án tài trợ quốc tế ảnh 1Hoạt động tư vấn về chăm sóc sức khỏe cho lao động di cư của tổ chức xã hội. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Các tổ chức xã hội đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển và phải đối mặt với nhiều thách thức. Việc chia sẻ kinh nghiệm, liên kết giữa các tổ chức sẽ giúp các tổ chức xã hội phát triển bền vững.

[Xu hướng các tổ chức phi chính phủ liên kết để phát triển bền vững]

Đây là thông tin được đưa ra tại “Hội thảo thường niên các tổ chức xã hội năm 2017: Hợp tác hướng tới phát triển bền vững" do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Trung tâm Thông tin Tổ chức Phi Chính phủ (NGO-IC), Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững (SRD), Viện Phát triển sức khoẻ cộng đồng ánh sáng (LIGHT) tổ chức ngày 22/8 tại Hà Nội.

Hội thảo thường niên các tổ chức xã hội năm 2017 là cơ hội để các tổ chức xã hội tăng cường chia sẻ các kinh nghiệm và bài học trong việc tận dụng cơ hội, nguồn lực để phát triển bền vững và hoạt động hiệu quả.

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sỹ Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, hiện nay có hơn 900 tổ chức xã hội hoạt động trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Cùng với các hội, các tổ chức xã hội ngoài công lập đã tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động xoá đói giảm nghèo, phát triển cộng đồng và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bình đẳng giới và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương...

Tuy nhiên, hoạt động của các tổ chức xã hội còn nhiều hạn chế. Theo tiến sỹ Phạm Văn Tân, khung pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của các tổ chức xã hội còn nhiều bất cập, Luật về Hội còn chưa được ban hành, nhận thức về vị trí, vai trò của các tổ chức xã hội vẫn chưa đầy đủ. Năng lực của các tổ chức xã hội hiện nay không đồng đều, sự kết nối chia sẻ thông tin giữa các tổ chức xã hội với nhau và với các đối tác còn hạn chế.

Tại hội thảo, các đại biểu nhận định, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, các tổ chức xã hội sẽ có thêm cơ hội để phát triển và khẳng định vai trò. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều thách thức đối với hoạt động của các mạng lưới như: Việc phối hợp giữa các tổ chức nhiều lúc chưa thực sự chặt chẽ, hoạt động mạng lưới phụ thuộc chủ yếu vào nguồn dự án tài trợ quốc tế, tính chủ động trong huy động nguồn lực chưa cao.

Đại diện các tổ chức xã hội mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước tục quan tâm bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách cho sự phát triển của các tổ chức xã hội, tạo dựng trường pháp lý, sự cạnh tranh lành mạnh, hỗ trợ trong nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức xã hội./.

Năm 2017 đánh dấu 25 năm xây dựng và trưởng thành của các tổ chức xã hội ngoài công lập. Việc thành lập các tổ chức xã hội là bước tiến quan trọng trong công tác quản lý xã hội, đồng thời phát huy được quyền làm chủ của người dân.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục