Biết đúng cỡ giày của mình tưởng chừng là điều ai cũng nắm rõ, nhưng thực tế, nhiều người trong chúng ta lại chưa thực sự để tâm tới điều này.
Một nghiên cứu của Hiệp hội Chỉnh hình Bàn chân và Mắt cá chân Hoa Kỳ (American Orthopaedic Foot & Ankle Society) cho thấy có tới 88% phụ nữ mang giày sai kích cỡ, và điều này sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của họ.
Những hệ lụy do đi giày sai kích cỡ
Những người phải di chuyển nhiều trên các đôi giày cao gót, thậm chí kể cả giày thấp, thường sẽ không tránh khỏi những vết phồng rộp trên bàn chân hoặc những nốt chai ở phần da chân cọ xát nhiều với mặt trong đôi giày.
Một số người còn xuất hiện các triệu chứng đau mãn tính ở vùng mắt cá hoặc bắp chân. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại ở đó.
Theo giới y khoa, toàn bộ cơ thể con người là một chuỗi và mỗi bộ phận là một mắt xích liên kết với các bộ phận khác. Nếu một xương bị tổn thương, nó sẽ gây ra hiệu ứng dây chuyền gây đau lan tỏa trong toàn bộ cơ thể. Đây chính là nguyên nhân giải thích vì sao một chấn thương ở bàn chân có thể gây ra các vấn đề về xương sống.
Bác sỹ James Ioli, Đại học Y Dược Harvard, cho biết những người thường xuyên đi giày cao gót trong thời gian dài dễ bị xảy ra tình trạng biến dạng cơ và khớp. Phổ biến nhất là tình trạng gân Achilles bị co ngắn, gây nguy hiểm cho cơ bắp chân và làm hạn chế bước chân của bạn.
Điều đáng báo động là nếu đi giày dép sai kích cỡ trong thời gian dài, các dây thần kinh ở bàn chân sẽ bị tổn thương vĩnh viễn.
Triệu chứng này được gọi là tổn thương dây thần kinh ngoại biên, nguyên nhân đến từ việc mang giày quá chật làm các dây thần kinh bị áp lực liên tục trong một thời gian dài.
Như vậy, việc mang giày không chỉ ảnh hưởng đến bàn chân mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Vì vậy, nhất thiết bạn phải chọn đôi giày đúng kích cỡ và phù hợp với bàn chân của mình.
Làm thế nào để lựa chọn đúng cỡ giày?
Jackie Tey, bác sỹ tại Phòng khám Straits Podiatry (Singapore) tư vấn: “Cách dễ nhất để biết giày có đang quá nhỏ hay không là sử dụng miếng lót giày ban đầu (nếu có) để đo chiều dài bàn chân.”
Câu chuyện về đôi giày búp bê Mary Jane không bao giờ lỗi mốt
Một đôi giày vừa vặn là có một khoảng trống nhỏ từ ngón chân dài nhất đến mũi giày. Điều này giúp đảm bảo rằng không có áp lực quá mức lên ngón chân khi di chuyển.
Ngoài ra, bác sỹ Tey nhấn mạnh rằng cần đảm bảo rằng chiều rộng của đệm giày ít nhất bằng với chiều rộng của chân, khiến cho giày không quá chật và gây cảm giác bó chân.
Hãy kiểm tra để đảm bảo không có cảm giác bị căng ở hai bên giày khi đứng dậy, vì rất có thể bàn chân của bạn quá rộng so với đường cắt của sản phẩm.
Nếu phân vân giữa các kích cỡ, hãy chọn cỡ lớn hơn. Với những người có hai bàn chân không đều, hãy chọn giày cỡ lớn vì việc điều chỉnh cỡ rộng sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Một sai lầm mà mọi người thường mắc phải khi đi mua giày là cho rằng cỡ giày của các thương hiệu hay các kiểu dáng đều giống nhau.
Do kích thước có thể thay đổi tùy theo đường cắt và mẫu mã sản phẩm, bạn cần thử giày tại cửa hàng để kiểm tra xem có vừa không.
Một sai lầm khác dẫn đến những chấn thương ở chân chính là việc tăng kích cỡ khi thấy giày quá hẹp ở phần mũi giày. Thay vào đó, nếu mũi giày quá hẹp, bạn hãy thử tìm một đôi giày có phần mũi rộng hơn.
Khi tham gia các hoạt động thể thao, bạn cần chú ý lựa chọn một đôi giày phù hợp để hỗ trợ trong toàn bộ quá trình tập luyện. Nhiều thương hiệu đồ thể thao sẽ hướng dẫn người mua làm sao để chọn cỡ giày thích hợp nhất.
Giày cho một số người có vấn đề về bàn chân
Thực tế, một số người có các kiểu bàn chân đặc biệt và cần lưu ý để chọn mua giày phù hợp.
Bàn chân phẳng
Những người có bàn chân phẳng (hay còn gọi là bàn chân bẹt), cần chọn những đôi giày được thiết kế đặc biệt như Asics Gel-Kayano hoặc Hoka Gaviota. Kiểu giày này giúp giảm tình trạng “overpronation” (chân cuộn vào trong khi di chuyển), giúp bước đi dễ dàng.
Bướu chân
Bạn hãy chọn kiểu giày có phần mũi rộng hoặc hở mũi, sẽ giúp giảm masát và kích ứng.
Chai chân
Hãy lựa những sản phẩm có đệm hoặc lớp đệm bổ sung nhằm giảm áp lực và khó chịu từ vết chai. Ngoài ra, có thể sử dụng đệm chân tùy chỉnh để phân phối áp lực và ngăn chặn vết chai chân trở nên dày hơn.
Nấm chân
Bạn hãy chọn giày có phần mũi hở như xăngđan hoặc dép lê, vì loại giày dép này giúp giảm độ ẩm quá mức từ mồ hôi./.