Mạng di động ảo tại Việt Nam cần tìm 'thị trường ngách' để phát triển

Để thúc đẩy phát triển nhà mạng ảo, theo đại diện Cục Viễn thông, các nhà mạng ảo nên nhìn nhận từ các dịch vụ ứng dụng trên Internet để tìm các dịch vụ thực sự mang lại lợi ích cho người dùng.
Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo thường. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chiều 8/8 tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 8 Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông đã có những chia sẻ về việc phát triển mạng di động ảo tại Việt Nam trong thời gian tới.  

Tính đến thời điểm này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cho 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng di động ảo (MVNO) tại Việt Nam gồm Đông Dương Telecom, Mobicast, ASIM, Digilife và VNSky. Theo số liệu của Cục Viễn thông đến ngày 30/4/2023, số lượng thuê bao điện thoại di động của các nhà mạng này phát triển được là 2,65 triệu, chiếm 2,1% tổng số lượng thuê bao toàn thị trường. 

[Việt Nam có thêm một mạng di động mới với đầu số 0777]

Hiện thị trường di động Việt Nam đang có ARPU (doanh thu trung bình trên một khách hàng) thấp và bị cạnh tranh mạnh từ dịch vụ OTT. Vì vậy, thị trường di động Việt Nam cần có "luồng gió mới."

Việc các nhà mạng di động ảo tham gia cung cấp dịch vụ được kỳ vọng sẽ góp phần đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phục vụ chuyển đổi số, trong các lĩnh vực tài chính, giáo dục, sức khoẻ, giải trí,...

Theo ông Nhã, nhà mạng ảo không còn là khái niệm mới, trên thị trường có 5 doanh nghiệp nhà mạng ảo cung cấp dịch vụ thông qua việc "mua sỉ" dung lượng data của nhà mạng có hạ tầng. Thế nhưng, theo Cục Phó Cục Viễn thông, số lượng 2,65 triệu thuê bao mạng di động ảo là một con số khiêm tốn, các dịch vụ các nhà mạng ảo đang cung cấp cũng tương đối hạn chế, chưa có những dịch vụ thực sự tạo thế mạnh.

Để thúc đẩy phát triển mạng di động ảo, ông Nhã cho rằng các doanh nghiệp nên nhìn nhận từ các dịch vụ ứng dụng trên Internet để tìm các dịch vụ thực sự mang lại lợi ích cho người dùng như tài chính, học tập... những dịch vụ liên quan đến "thị trường ngách" mà những nhà mạng lớn thông thường không cung cấp.

Ông Nhã cho rằng đây là hướng đi đúng với xu hướng trên thế giới cũng như thúc đẩy các dịch vụ nội dung phát triển, thúc đẩy cung cấp nhiều dịch vụ ứng dụng viễn thông trên nền Internet băng rộng di động.

Ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông chia sẻ về việc phát triển mạng di động ảo tại Việt Nam. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ông Nhã cũng cho biết: "Trong quá trình sửa đổi Luật Viễn thông, chúng tôi đã đưa chính sách bán sỉ bán buôn dung lượng vào luật Viễn thông để tạo ra hành lang pháp lý quy hoạch hơn, dễ dàng hơn để các nhà mạng có thể đàm phán với nhau trong quá trình mua lưu lượng cũng như cung cấp dịch vụ chất lượng cao với giá thành tốt."

"Nhà mạng ảo tham gia thị trường cần có hướng đi, tìm một ‘thị trường ngách’ thực sự hấp dẫn thì sẽ có một lượng thuê bao ổn định cũng như doanh thu cao," ông Nguyễn Phong Nhã nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục