Sau “phát súng” phủ sóng 4G toàn quốc của Viettel vào tháng Tư, tùy thuộc chiến lược của mình, MobiFone và VinaPhone đã dần dần đưa dịch vụ này vào cuộc sống. Cùng lúc, giá cước của dịch vụ cũng được công bố với mức cước rất cạnh tranh.
Thế nhưng, ngoài giá thành “phải chăng,” người dùng còn mong chờ chất lượng dịch vụ ổn định từ phía nhà mạng.
Cước giảm so với 3G
Vào đầu tháng Bảy, MobiFone trở thành nhà mạng cuối cùng trong “ba đại gia” viễn thông tuyên bố nhảy vào thị trường 4G sau giai đoạn thử nghiệm với việc cung cấp gói cước tại 35 tỉnh, thành phố.
Cho đến hiện tại, giá cước trên website của MobiFone ở mức cơ bản là với gói HD70 (70.000 đồng/tháng/2,4GB), HD90 (90.000 đồng/tháng/ 3,5GB), HD120 (120.000 đồng/tháng/6GB) và HD200 (200.000 đồng/tháng/11GB). Hết dung lượng miễn phí, hệ thống thực hiện hạ băng thông xuống tốc độ 1 Kbps.
[Mạng 4G và cuộc đua của 3 ông lớn]
Trong khi đó, Viettel tung ra 6 gói cước 4G gồm gói 4G0 (60 đồng/MB), gói 4G40 (40.000 đồng/tháng, dung lượng 1GB); gói 4G70 (70.000 đồng/tháng, dung lượng 2GB); gói 4G90 (90.000 đồng/tháng, dung lượng 3GB); gói 4G125 (125.000 đồng/tháng, 5GB) và gói 4G200 (200.000 đồng/tháng, dung lượng là 10 GB).
Với VinaPhone, một số gói cước cơ bản của mạng này là BIG70 (2,4GB, giá 70.000 đồng/tháng); BIG90 (90.000 đồng/tháng cho 3,5GB); BIG120 (120.000 đồng/tháng có 6GB); BIG200 (200.000 đồng/tháng có 11GB); BIG300 (300.000 đồng/tháng có 18GB).
Một điểm chung của các gói cước nói trên là sau khi sử dụng hết dung lượng, khách hàng sẽ bị cắt Internet và phải đăng ký lại hoặc mua dung lượng để tiếp tục sử dụng. Điều này sẽ gây cản trở không nhỏ tới tâm lý của người dùng khi họ không thể kiểm soát được dung lượng, dẫn đến việc thường bị tiêu hết dung lượng lúc nào không hay.
Thực trạng này có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc cả nước có 6,3 triệu SIM 4G được đổi, nhưng mới có khoảng 3,5 triệu thuê bao hoạt động-theo thông tin từ Cục Viễn thông đưa ra hồi cuối tháng Bảy.
Cùng lúc với việc tung ra các gói cước được xem là rẻ hơn 3G trước đây, các nhà mạng cũng bổ sung vào hệ sinh thái 4G những dịch vụ bằng việc “bắt tay” với các đại gia công nghệ, tung ra thêm những gói cước để truy cập Facebook hoặc YouTube, iflix (trả phí nhất định và miễn data khi truy cập)… để thu hút khách hàng.
Nhận định về tốc độ phát triển người dùng 4G, ông Mantosh Malhotra, Phó Chủ tịch phụ trách Qualcomm khu vực Đông Nam Á cho rằng, Việt Nam mới khai trương 4G nên cần thời gian lâu hơn để đạt được số đông người dùng.
Ông cũng khuyến nghị nhà mạng nên đưa ra những gói cước tháng cho người sử dụng thường xuyên hoặc sử dụng nhiều và các gói tuần/ngày dành cho đối tượng thuê bao trả trước. Ngoài ra cũng có thể đưa ra các gói cước theo ứng dụng cụ thể như gói cước cho Facebook, Netflix…
Chưa ổn định
Giá cước hấp dẫn, nhưng một trong những điều mà người dùng băn khoăn là sự thiếu ổn định của mạng di động thế hệ thứ 4.
Lấy ví dụ như phản ánh của một khách hàng dùng MobiFone-Anh Khánh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội). Sau một thời gian sử dụng 4G MobiFone, anh cho hay ở khu vực trung tâm Hà Nội tốc độ mạng khá cao. Tuy nhiên, khi về tới nhà, sóng 4G khá "chập chờn," nhiều lúc chỉ còn 3G. Còn tới khi về một xã thuộc huyện Thường Tín (Hà Nội, cách Hồ Hoàn Kiếm khoảng 27km), máy chỉ báo 3G mà thôi.
[6,3 triệu SIM 4G được đổi nhưng mới có 3,5 triệu thuê bao hoạt động]
Bên cạnh đó, ngoài Viettel, vùng phủ sóng 4G của VinaPhone và MobiFone chưa thực sự rộng khắp để đáp ứng nhu cầu của người dùng thường di chuyển.
Cho tới hiện tại, VinaPhone vẫn chưa tuyên bố cung cấp 4G tại Hà Nội. Tuy nhiên, ở một số khu vực, người dùng có thể sử dụng 4G của nhà mạng này.
(Biểu đồ hiển thị tốc độ download của mạng di động 4G MobiFone, Viettel, VinaPhone tại một địa điểm, một phương pháp đo nhưng ở hai thời gian khác nhau).
Trong khi đợi công bố chất lượng mạng của cơ quan chức năng, phóng viên VietnamPlus đã tự làm một bài kiểm tra tốc độ 4G trên thực tế. Chúng tôi sử dụng điện thoại Bphone 2017, cài đặt phần mềm Speedtest để đo tốc độ của cả ba mạng trong khoảng thời gian từ 14 giờ 50 phút tới 14 giờ 55 phút ngày 30/8. Địa điểm đo là tầng 8, Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội).
Kết quả cho thấy, mạng tốc độ download của Viettel, MobiFone và VinaPhone lần lượt là 5,92 Mbps, 15,75 Mbps và 26,95 Mbps; tốc độ Upload là 16,55 Mbps, 20,76Mbps và 29,65 Mbps (clip đi kèm).
Tới sáng 31/8, cũng tại địa điểm nói trên và phương pháp kiểm tra như cũ, trong khoảng từ 8 giờ 41 phút tới 8 giờ 45 phút, phóng viên đo được tốc độ Download lần lượt của Viettel, MobiFone, VinaPhone là 12,78 Mbps, 14,50 Mbps và 44,03 Mbps; Upload là 21,72 Mbps, 32,22 Mbps và 31,81 Mbps.
Theo lý giải của đại diện một nhà mạng, việc tốc độ cao, thấp giữa các mạng là còn phụ thuộc vào khoảng cách từ điểm đo tới các trạm thu phát sóng cũng như số lượng người dùng trong cùng một thời điểm.
Tuy nhiên, rõ ràng cho dù chỉ có tính chất tham khảo, nhưng bài kiểm tra này cũng đã cho thấy sự thiếu ổn định của 4G của bản thân nhà mạng trên thực tế khi phóng viên áp dụng một phương pháp đo, trong khai thời điểm khác nhau và cho kết quả khác biệt.
Trong một lần trao đổi, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia cho rằng, chi phí 4G rẻ và kể cả khi nhà mạng có độ phủ sóng rộng không có nghĩa mọi việc đã xong.
“Kỳ vọng của người dùng là sự đột phá về chất lượng. Do đó, nhà mạng cần tiếp tục đầu tư vào 4G và đặc biệt trong 1-2 năm đầu thì công tác tối ưu mạng lưới là rất quan trọng,” ông Nam nói.
Rõ ràng, cho dù tốc độ 4G hiện đã lớn hơn so cam kết của nhà mạng với cơ quan quản lý nhà nước, song để tăng lượng người dùng, nhà mạng cần có những đầu tư hợp lý trong việc bảo đảm chất lượng phủ sóng cũng như hệ sinh thái 4G đủ mạnh. Có như vậy, sự đầu tư vào 4G mới đem lại hiệu quả cho xã hội cũng như tăng doanh thu cho doanh nghiệp./.