Ủy ban phụ trách tranh luận tổng thống năm 2016 cho biết cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên của hai ứng cử viên Hillary Clinton và Donald Trump diễn ra vào “khung giờ vàng” 21 giờ ngày 26/9 theo giờ bờ Đông (8 giờ sáng 27/9 theo giờ Việt Nam) tại Đại học Hofstra ở thành phố New York.
Ủy ban này cho biết thêm cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên sẽ gồm có 2 phần với 3 chủ đề, đó là: Hướng đi tương lai của nước Mỹ; Làm thế nào đạt thịnh vượng và Đảm bảo an ninh cho đất nước. Đây cũng chính là những vấn đề thu hút sự quan tâm lớn nhất của cử tri Mỹ trong chiến dịch bầu cử tổng thống năm nay.
Theo đánh giá của giới phân tích, mỗi ứng cử viên đều có điểm mạnh, điểm yếu của mình. Kết quả thăm dò ý kiến cử tri của tờ The Washington Post cho thấy tỷ phú Donald Trump đang bất ngờ dẫn trước bà Hillary Clinton liên quan tới vấn đề kinh tế và chống khủng bố, trong khi bà Hillary nhận được sự đánh giá cao hơn đối với các vấn đề chính sách đối ngoại, nhập cư và an sinh xã hội.
Bà Clinton thừa nhận đã mắc sai lầm khi sử dụng thư điện tử cá nhân để giải quyết việc công trong thời kỳ còn làm Ngoại trưởng Mỹ. "Tôi đã phạm sai lầm khi sử dụng thư cá nhân," bà nói và ông Trump đế thêm: "Chắc chắn rồi."
Trước đó, hai ông bà đã tranh luận về các vấn đề hồ sơ hoàn thuế cá nhân, viễn cảnh kinh tế của Mỹ, tăng thuế vào người giàu, nhóm khủng bố IS.
Đã có lúc các màn tranh luận diễn ra căng thẳng tới mức người điều hành Lester Holt phải rất vất vả để duy trì trật tự.
Nguyên nhân bởi ông Trump muốn cuộc tranh luận đầu tiên chỉ tập trung vào vấn đề kinh tế và hoạt động chuyển việc làm ở Mỹ ra nước ngoài. Đã có vài lần ông né các câu hỏi hoặc cáo buộc do bà Clinton đưa ra để trở lại vấn đề kinh tế.
Tranh luận chuyển sang vấn đề căng thẳng chủng tộc, gần đây đã bùng phát tại một số thành phố như Charlotte, tiểu bang Bắc Carolina và Tulsa, Oklahoma. Bà Clinton nói rằng căng thẳng chủng tộc vẫn là "một thách thức lớn ở Mỹ."
Ông Trump kêu gọi việc khôi phục luật pháp và trật tự. "Chúng ta cần luật pháp và trật tự ở đất nước này," ông nói.
Ông tuyên bố bạo lực ở các thành phố lớn như Chicago có thể được giải quyết bằng việc tăng cường luật pháp và trật tự. Ông đã nhắc lại đề xuất rằng cảnh sát Chicago nên sử dụng chiến thuật ngăn chặn và lục soát nghi phạm đã từng được sử dụng ở New York, trước khi nó bị dẹp bỏ.
Trump tuyên bố cảnh sát phải có trách nhiệm tước súng từ những người không nên sử dụng chúng, những "kẻ xấu".
Bà Clinton nói rằng có sự phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống trong hệ thống tư pháp Mỹ. Bà cũng nói rằng chiến thuật ngăn chặn và lục soát nghi phạm không có hiệu quả.
Ông Trump ủng hộ ý kiến cấm những người nằm trong danh sách theo dõi khủng bố của Cục điều tra liên bang Mỹ mua vũ khí. Tuyên bố này khiến ông không có chung quan điểm với Hiệp hội súng trường Mỹ và các nhóm cổ súy sở hữu súng khác.
Bà Clinton tung chiêu đỡ màn châm chích của ông Trump, về việc đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho cuộc tranh luận tay đôi.
"Tôi nghĩ rằng Donald vừa mới chỉ trích tôi vì đã chuẩn bị cho cuộc tranh luận này. Đúng vậy, tôi đã làm như thế. Và các bạn biết tôi còn chuẩn bị gì nữa không? Tôi chuẩn bị để trở thành tổng thống Mỹ và tôi nghĩ rằng đó là điều tốt đẹp," bà pha trò.
Người điều hành Holt tuyên bố Trump đã khai thác một thông tin sai lạc tồn tại trong suốt 5 năm trời, rằng ông Obama sinh ngoài nước Mỹ.
Tuy nhiên Trump cáo buộc chính bà Clinton đã tung thông tin này khi tranh cử hồi năm 2008, dù rằng chẳng có chứng cứ nào ủng hộ nó.
Holt bèn hỏi Trump rằng vì sao ông mãi chất vấn về giấy khai sinh của ông Obama nhiều năm sau khi Nhà Trắng đã công bố nó hồi năm 2011. Trump tránh không trả lời, chỉ nói rằng ông đã có công khi ép ông Obama công bố giấy khai sinh.
Màn bắt tay vui vẻ hiếm hoi giữa bà Clinton và ông Trump trước cuộc tranh luận. (Nguồn: Washington Post)
Bà Clinton gọi vấn đề giấy khai sinh của ông Obama là "phân biệt chủng tộc" và "dối trá." Bà cũng đánh giá hoạt động chính trị của ông Trump đã được khởi động dựa trên lời nói dối, rằng Tổng thống da đen đầu tiên của Mỹ không phải công dân Mỹ, dù chẳng có bằng chứng nào cho điều này.
Ông Trump chống lại cáo buộc Nga đứng sau hoạt động đột nhập vào các thư điện tử của Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ. "Chúng ta không biết ai đứng sau vụ đột nhập," Trump nói. "Có thể đó là Trung Quốc. Cũng có thể đó là một tay hacker nặng 200kg nào đó."
Clinton tuyên bố bà có kế hoạch đánh bại IS. Bà kêu gọi việc hợp tác với các công ty công nghệ để chặn đứng hoạt động tuyển mộ thành viên mới của IS và đưa giới lãnh đạo của nhóm vào tầm ngắm, bên cạnh nhiều đề xuất về chính sách khác.
Trump đáp lại bằng cáo buộc chính quyền ông Obama và bà Clinton tạo ra một "khoảng trống" ở Trung Đông, đã cho phép IS hình thành.
Ông nói rằng lẽ ra Mỹ nên để binh lính hiện diện ở Iraq và "lấy dầu" từ đất nước này.
Bà Clinton phản bác tuyên bố của Trump rằng ông từng chống lại cuộc chiến Iraq hồi năm 2003. "Donald Trump đã ủng hộ cuộc xâm chiếm Iraq," bà nói.
"Nhầm rồi!" ông Trump gào tướng lên.
Vấn đề này đã gây nhiều căng thẳng, bởi chính bà Clinton hồi năm 2002 cũng đã bỏ phiếu ở Thượng viện Mỹ, cho phép dùng vũ lực chống Iraq. Năm ngoái, Trump nói rằng ông đã chống lại cuộc chiến, nhưng các nhà nghiên cứu chẳng thấy có bằng chứng nào cho việc này. Ông cũng không đưa ra các tuyên bố mạnh mẽ nào ủng hộ cuộc chiến.
Bà Clinton nói rằng đề xuất của ông Trump cấm mọi người Hồi giáo vào Mỹ có thể đào hố sâu ngăn cách với cộng đồng Hồi giáo đã ở Mỹ và khiến họ không hợp tác với cảnh sát để chống khủng bố.
Trump nhận được câu hỏi: Làm cách nào để ngăn chặn nguy cơ người Mỹ theo Hồi giáo bị cực đoan hóa và biến thành khủng bố. Trump đã né tránh câu hỏi này, thay vì thế ông có phát biểu khá dài về việc phải ép các đồng minh trong Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương phải trả ơn và hỗ trợ Mỹ "đánh bại IS."
Bà Clinton lên tiếng về vấn đề liên minh với NATO, cho biết lần duy nhất mà khối này được yêu cầu thực hiện nghĩa vụ là sau các vụ tấn công khủng bố 11/9 ở Mỹ. .
Bà cũng đề cao vai trò của mình trong việc giúp đạt thỏa thuận ngăn chặn chương trình hạt nhân Iran.
Trump tuyên bố các đồng minh thân cận như Nhật và Hàn Quốc sẽ phải chi tiêu nhiều hơn cho Mỹ để được nhận sự bảo vệ của nước này.
"Họ sẽ phải tự bảo vệ mình hoặc họ phải giúp chúng ta," ông nói.
Đây là một quan điểm khác biệt với chính sách hiện nay của Mỹ, nhưng rất được lòng nhiều người dân. Họ tin rằng Mỹ đã đổ quá nhiều tiền vào các nước bên ngoài, trong khi chi tiêu quá ít ở trong nước.
Bà Clinton tuyên bố "lời lẽ cũng có sức nặng" và Mỹ phải giữ chữ tín với đồng minh.
"Lời lẽ cũng có sức nặng khi anh chạy đua vào ghế tổng thống và chúng thực sự có sức nặng khi anh là tổng thống," bà nói. Bà cũng khẳng định Mỹ sẽ tôn trọng các cam kết bảo vệ đồng minh ở Nhật Bản, Hàn Quốc và những nơi khác
Bà nói thêm rằng ông Trump nên công bố các kế hoạch quân sự của mình. "Chuyện giống như kế hoạch chống IS của ông ấy vậy. Ông ấy tuyên bố đó là một kế hoạch bí mật. Nhưng bí mật duy nhất ở đây là ông ấy không có kế hoạch nào cả," bà châm chích trong tiếng vỗ tay tán thưởng của khán giả.
n giả.
Ông Trump nói rằng bà Clinton không đủ sức khỏe để làm tổng thống. Bà đáp lại: "Chỉ sau khi đã đi tới 112 nước và thương thảo về một thỏa thuận hòa bình, một lệnh ngừng bắn, việc trả tự do những người bất đồng chính kiến, về việc mở ra các cơ hội mới tại nhiều quốc gia trên thế giới, hoặc dành 11 giờ để điều trần trước một ủy ban của Quốc hội, ông ta mới có thể nói chuyện với tôi về vấn đề sức khỏe."
Bà Clinton lưu ý ông Trump đã có nhiều bình luận không đẹp về phụ nữ, khi gọi họ là "những con lợn" hay "những con chó."
Trump rên rỉ rằng ông đã bị đối xử tệ trong các đoạn quảng cáo do ban vận động tranh cử của bà Clinton tung ra. "Thật không hay, tôi không đáng để bị đối xử như vậy," ông nói.
Có một thực tế là ban vận động tranh cử của ông Trump quyên được ít tiền hơn bà Clinton và các siêu PAC ủng hộ ông vẫn chưa tung ra chiến dịch quảng cáo với quy mô đủ lớn để sánh với các siêu PAC của bà Clinton.
Câu hỏi cuối trong cuộc tranh luận đầu tiên là liệu các vị có thể chấp nhận việc thua cuộc trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11.
Bà Clinton trả lời: "Tôi ủng hộ nền dân chủ của chúng ta. Và có lúc bạn thắng, nhưng cũng có lúc thua. Có điều tôi chắc chắn sẽ ủng hộ kết cục của cuộc bầu cử này."
Ông Trump cũng tuyên bố sẽ chấp nhận kết cục cuộc bầu cử nếu bà Clinton đánh bại mình. "Nếu bà ấy thắng, tôi chắc chắn sẽ ủng hộ bà ấy," ông nói.
Câu trả lời này của ông Trump rất đáng chú ý, bởi trước đó ông từng nêu vấn đề hệ thống bầu cử Mỹ có thể tạo điều kiện để tình trạng gian lận phiếu bầu xảy ra.