'Mầm xanh trên đá': Can trường ý chí cách mạng của thanh niên Việt Nam

Sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ trẻ tuổi mãi khắc ghi trong lịch sử dân tộc, là tấm gương cho thế hệ trẻ ngày nay tiến bước đi lên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
'Mầm xanh trên đá': Can trường ý chí cách mạng của thanh niên Việt Nam ảnh 1Trưng bày phản ánh phong trào đấu tranh cách mạng của thanh thiếu niên hai miền. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước, lớp lớp thanh thiếu niên hai miền Nam-Bắc đã tích cực tham gia các phong trào đấu tranh và lập được nhiều chiến công xuất sắc.

Dưới làn đạn của quân thù, nhiều thanh thiếu niên đã anh dũng hy sinh. Tại nơi “địa ngục trần gian,” sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ vẫn tỏa sáng, mặc cho chế độ giam cầm hà khắc vẫn kiên trì đấu tranh, mặc cho gông cùm, xiềng xích vẫn vươn lên bất khuất.

Nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2023), Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức trưng bày chuyên đề “Mầm xanh trên đá” để kể những câu chuyện cảm động về các phong trào đấu tranh của thanh thiếu niên.

'Mầm xanh trên đá': Can trường ý chí cách mạng của thanh niên Việt Nam ảnh 2Hiện vật tại triển lãm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Trưng bày được thể hiện qua 3 nội dung: Tuổi xanh nơi ngục lửa, Ngọn lửa Thành đồng, Ký ức không phai.

Phần thứ nhất điểm lại chiến công của Đội Quân báo Thiếu niên Bát Sắt. Từ ngày 19/12/1946 đến giữa năm 1948, 40 thành viên trong độ tuổi từ 12-17 đã dũng cảm, mưu trí tham gia mở đường bí mật cho lực lượng của ta trở lại Hà Nội, chuyển thư và tài liệu, rải truyền đơn, dẫn đường cho Công an quận 6 trừng trị những tên tay sai đắc lực của địch…

[Phong trào “Ba sẵn sàng” - Dấu son tự hào của tuổi trẻ Việt Nam]

Trong quá trình hoạt động, nhiều đội viên bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò. Tại đây, các chiến sỹ trẻ tuổi vẫn can trường đấu tranh chống chế độ lao tù hà khắc, tham gia vượt ngục để trở về với cách mạng.  

'Mầm xanh trên đá': Can trường ý chí cách mạng của thanh niên Việt Nam ảnh 3Khách tham quan sẽ được xem hoạt cảnh tái hiện phong trào đấu tranh của thanh thiếu niên. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Phần hai phản ánh phong trào đấu tranh của thanh thiếu niên miền Nam, trong đó nổi bật là câu chuyện của các tù nhân nhỏ tuổi tại Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt.

Từ năm 1971 cho đến khi giải thể năm 1973, nhà lao giam hơn 600 tù nhân từ 12-17 tuổi được tập trung từ khắp miền Nam.

Tại nhà lao, địch dùng nhiều thủ đoạn để dụ dỗ, mua chuộc các tù nhân nhưng khi kế hoạch thất bại, các thiếu niên đã phải chịu nhiều cực hình khắc nghiệt như nhốt vào hầm đá để phơi sương, phơi nắng, nhốt vào xà lim biệt giam, cứ đêm đến, địch lại dội nước lạnh vào người… Vượt lên đòn thù tàn khốc, các tù nhân nhỏ tuổi vẫn đấu tranh dũng cảm, quyết liệt.

Các thiếu niên đã tổ chức vượt ngục nhiều lần nhưng thành công nhất là cuộc vượt ngục đầy táo bạo của 13 tù nhân, rạng sáng ngày 8/5/1973.

Họ đã đục trần phòng giam, vượt qua khu vực dây kẽm gai nối với hệ thống điện cao thế để thoát khỏi Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt, thành công tìm đến cơ sở nuôi giấu và tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng.

Nội dung “Ký ức không phai” kể về những chiến sỹ sau khi thoát khỏi ngục tù lại tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng, đóng góp công sức cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.

Chiến tranh đã lùi xa, một thời kỳ đấu tranh kiên cường và những năm tháng bị địch bắt, tù đày đã trở thành ký ức không thể lãng quên. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ trẻ tuổi mãi khắc ghi trong lịch sử dân tộc, là tấm gương cho thế hệ trẻ ngày nay tiến bước đi lên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tham dự triển lãm, ông Đỗ Quang Trung rất xúc động khi thấy hình ảnh của mình và anh trai – Đỗ Tràng Trọng khi còn hoạt động trong Đội Quân báo Thiếu niên Bát Sắt.

Năm 1947, ông Trung mới 13 tuổi, được anh trai rủ tham gia Đội Quân báo Thiếu niên Bát Sắt. Họ được giao nhiệm vụ liên lạc, chuyển thư và công văn vào nội thành. Khi đó, nhà ông Trung ở 54 Triệu Việt Vương cũng là cơ sở bí mật của cách mạng.

“Tháng 11/1947 chúng tôi cùng bị địch bắt vào Sở Mật thám rồi chuyển sang Nhà tù Hỏa Lò giam cho đến tháng 3 năm 1949 mới được trả tự do. Hôm nay trở lại đây, tham quan triển lãm ý nghĩa này tôi rất xúc động, mong rằng qua đây, giới trẻ sẽ hiểu hơn về lý tưởng và tinh thần cống hiến của thanh niên ngày xưa,” ông Trung bày tỏ.

Trưng bày diễn ra đến ngày 30/9 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục