Tết càng đến gần, phố phường, siêu thị, chợ dân sinh… càng trở nên tấp nập, nhộn nhịp. Cô Giang Tú Anh (Ba Đình, Hà Nội) mấy ngày nay cũng tất bật chuẩn bị Tết.
Chồng cô Tú Anh là trưởng họ, gia đình lại gốc Hà Nội lâu đời nên việc bài trí ban thờ tổ tiên rất được chú trọng và mâm ngũ quả là công việc quan trọng hàng đầu trong những dịp Tết đến, Xuân về.
Cũng như nhiều gia đình người Việt khác, đối với cô Tú Anh việc bày mâm ngũ quả đẹp và hoành tráng trong ngày Tết không chỉ thể hiện sự tôn kính, hiếu thảo của con cháu đối với tổ tiên mà nó còn mang ý nghĩa tâm linh, với hàm ý cầu nguyện cho năm mới nhiều tốt lành và may mắn đến với toàn thể các thành viên trong gia đình.
Khá cầu kỳ, cô Tú Anh cho biết, hai ngày nay cứ đi đi, lại lại vòng quanh chợ, cuối cùng mới mua được một nải chuối ưng ý.
“Cô vui quá, may mà chọn được nải chuối gốc, xanh mướt, nhiều tua tóc, quả tách rộng và đặc biệt là có quả lẻ như thế này. Cô cũng đã đặt mua chục quả bưởi Diễn, mấy cân cam Canh cắt tại vườn tươi lắm. Bây giờ cô chỉ cần mua thêm táo, nho, quất và ớt ngọt nữa thôi,” cô Tú Anh hào hứng nói.
Theo quan niệm xưa, mâm ngũ quả thường có 5 loại quả màu sắc khác nhau tương ứng với ngũ hành tương sinh: kim-mộc-thủy-hỏa-thổ, thể hiện cho nguyện ước của gia chủ sang năm mới có đủ: phú-quý-thọ-khang-ninh.
Tuy nhiên, quan niệm bày mâm ngũ quả ngày nay cũng không còn giữ đúng nguyên tắc như trước. Theo cô Tú Anh, mặc dù gọi là mâm ngũ quả song trong thực tế không nhất thiết chỉ bày 5 loại quả, mà có thể bày nhiều loại quả hơn mang các số lẻ 7, 9… tùy theo kích cỡ của ban thờ mỗi gia đình.
Bên cạnh việc chọn mua các loại quả ưng ý, thì việc bày biện mâm ngũ quả đẹp mắt và giữ được lâu ngày trong những dịp Tết cũng rất quan trọng đối với các bà nội trợ.
Bạn Ngô Phương Anh (Long Biên, Hà Nội) là con gái lớn trong gia đình tam đại đồng đường, nên Phương Anh được bà nội chỉ bảo rất nhiều. Mấy năm nay, Phương Anh được giao nhiệm vụ giúp bà chuẩn bị mâm ngũ quả ngày Tết.
Phương Anh chia sẻ, “hoa quả bày thắp hương phải rửa thật sạch cho quả bóng và đẹp, song phải rất nhẹ tay để quả không trầy xước. Sau đó lau khô từng quả để đảm bảo giữ được lâu mà không bị héo, thối.
Bà em kỹ tính lắm, lúc bày quả bà kiểm tra từng li từng tí. Bà nói mâm ngũ quả trang trọng, tươi đẹp sẽ mang lại may mắn cho cả nhà trong toàn năm.”
Cùng với sự phát triển kinh tế và du nhập văn hóa các vùng miền, những năm gần đây mâm ngũ quả của người Hà Nội cũng có nhiều thay đổi. Bên cạnh những trái cây truyền thống, các bà, các mẹ có thêm những loại hoa quả ngoại nhập mang đến những màu sắc mới lạ, bắt mắt hơn cho mâm ngũ quả ngày Tết.
Không chỉ có vậy, phong cách trình bày hoa quả của người Nam Bộ đang trở nên thịnh hành và được nhiều gia đình trẻ ở Hà Nội thể hiện.
Hà Thanh Huyền (Phương Mai, Hà Nội) vui vẻ cho biết: “Mấy năm nay, bên cạnh những loại quả truyền thống như chuối, bưởi… em còn mua thêm đu đủ, mãng cầu, dừa, xoài , thơm (dứa miền Bắc)… Bởi theo quan niệm người miền Nam điều này mang ý nghĩa là cầu thơm vừa đủ xài.”
Mỗi gia đình một nếp sống, mỗi “nữ tướng” nội trợ những quan niệm và cái nhìn đời sống tâm linh khác nhau, song trưng bày mâm ngũ quả trong những Tết đã trở thành một nét văn hóa độc đáo, thể hiện sự gắn kết, quan tâm, chia sẻ của các thành viên trong các gia đình người Việt./.