Mâm cỗ ngày tết: Nên thận trọng với con dao hai lưỡi

Người Việt thường quan niệm, Tết là dịp để nhà nhà, người người “ăn chơi”. Tuy nhiên, nếu không biết ăn uống hợp lý thì mâm cỗ ngày Tết lại trở thành “kẻ thù” của nhiều người có bệnh.
Bánh chưng - Một loại thực phẩm không thể thiếu trong dịp Tết. (Ảnh: TTXVN)

Người Việt thường quan niệm, Tết là dịp để nhà nhà, người người “ăn chơi.” Quả đúng vậy, trong 9 ngày nghỉ lễ là dịp để mọi người du Xuân và tiệc tùng bên mâm cỗ.

Tuy nhiên, nếu không biết ăn uống hợp lý thì mâm cỗ ngày Tết lại trở thành “kẻ thù” của nhiều người có bệnh và những nguy cơ do thức ăn không đảm bảo mang lại.

Do vậy, việc giữ một chế độ ăn hợp lý và bảo quản thực phẩm tốt trong những ngày này là một bài toán không hề dễ đối với nhiều người.


Hạn chế rượu bia, tăng cường chè xanh

Cuộc sống hiện nay có không ít người mắc các bệnh như: béo phì, tiểu đường, tim mạch…, họ cần một chế độ ăn hợp lý, trong khi dịp Tết đến, nhà nào cũng ăm ắp thức ăn, hoa quả, nước ngọt được bày đủ ra trước mặt. Thực tế sẽ dẫn đến tình trạng ăn uống không điều độ, ăn không đúng bữa và số bữa ăn cũng nhiều hơn.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay số người mắc bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng hiện nay rất lớn và ngày càng gia tăng. Ước tính hiện tại Việt Nam có khoảng 12,5 triệu người mắc tăng huyết áp, 2,5 triệu người bị bệnh đái tháo đường và số lượng người thừa cân béo phì lại ngày càng gia tăng.

Bác sỹ Nguyễn Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, trong những ngày lễ tết, bên cạnh khẩu phần ăn nhiều đạm động vật thì việc sử dụng quá nhiều bánh mứt kẹo, nước ngọt có ga, các loại nước ngọt khác cũng làm tăng năng lượng khẩu phần.

Điều trước tiên phải nói đến là nhu cầu năng lượng thực trong dịp lễ Tết của mọi người thường giảm so với ngày bình thường do thời gian nghỉ ngơi nhiều, đồng thời hoạt động thể lực/lao động chân tay giảm. Trong khi đó, những ngày Tết, việc ăn uống thường phóng khoáng hơn và hoạt động thể lực lại ít đi, dẫn tới dễ dàng tăng cân tái phát.

Vì vậy, người dân nên hạn chế uống rượu bia nhiều những ngày Tết. Rượu bia ảnh hưởng không tốt đối với những người bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp, thừa cân và béo phì.

Theo bác sỹ Tiến, người dân nên tăng cường uống nước chè xanh, vì chè là một thức uống rất có giá trị do cung cấp nhiều chất chống oxy hóa, fluor và nhiều vitamin có lợi cho sức khỏe.

Tránh mất cân đối khẩu phần ăn

Nhiều người quan niệm mâm cỗ ngày tết phải có nhiều món ăn, nhiều thịt và ít rau, nhưng điều đó dẫn tới mức tiêu thụ thịt cá tăng lên nhiều so với bữa ăn hàng ngày, gây mất cân đối khẩu phần ăn.

Dịp Tết người dân nên ăn thịt ở mức vừa phải. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Theo bác sỹ Tiến, chế độ ăn này rất nguy hại đối với người bị bệnh gout, cao huyết áp, thừa cân và béo phì. Người thừa cân béo phì không nên ăn quá nhiều thịt đỏ, ưu tiên ăn cá, thịt gia cầm. Nên ăn thịt vừa phải (không quá 100g/ngày/người trưởng thành), khuyến khích ăn cá và đậu phụ.

Với những người thừa cân và béo phì, cần thường xuyên kiểm soát nghiêm ngặt cân nặng, đặc biệt trước, trong và sau những ngày Tết. Bởi thông thường, sau những ngày Tết, nhiều người lại tăng cân và một số bệnh lại có cơ hội tái phát nhiều hơn.

Với người có nguy cơ thừa cân và béo phì cần lưu ý: mỗi miếng bánh chưng có khoảng 150 đến 250 calo, nếu ăn từ 2 đến 3 miếng bánh mỗi ngày thì năng lượng khẩu phần đã tăng lên đáng kể, chưa tính đến các loại khác như bánh kẹo và rượu bia, nước ngọt. Ngoài ra, việc ăn ít rau ảnh hưởng không nhỏ cho sức khỏe.

Tăng cường chế độ rau quả

Tiến sỹ Trương Tuyết Mai - Viện Dinh dưỡng Quốc gia phân tích, các món ăn đặc trưng ngày Tết có nhiều món chưa phù hợp với người thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường như: bánh chưng với nhiều thịt mỡ và tinh bột, dưa hành có nhiều muối. Việc ăn uống ngày Tết với người mắc các bệnh mạn tính không lây, trong đó bệnh tăng huyết áp cần được xem xét.

Đặc biệt, người tăng huyết áp cần chú ý một chế độ ăn ít chất béo, hạn chế đồ ăn mặn (giảm muối), hạn chế rượu, bia, thuốc lá, ăn nhiều rau và quả chín, kiểm soát cân nặng.

Theo tiến sỹ Mai, trong mâm cỗ ngày Tết, “kẻ thù” đầu tiên của người tăng huyết áp là chất béo. Chất béo từ thịt cũng như chất béo có trong da các loại gia cầm không chỉ làm tăng cân mà còn là yếu tố góp phần quan trọng vào việc gây xơ vữa động mạch, dẫn đến tăng huyết áp, bệnh tim, đột quỵ. Vì vậy, người dân nên dùng các món ăn chế biến từ cá, hải sản vừa để giảm bớt các món thịt mỡ trong mâm cơm ngày Tết vừa để có thêm các axít béo, khoáng chất có lợi cho người tăng huyết áp…

Trong mâm cỗ ngày Tết, các gia đình cần hết sức coi trọng vai trò của rau quả. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Để tránh việc sử dụng đồ ăn có nhiều muối, tiến sỹ Mai khuyến cáo người tăng huyết áp cần chú ý kiểm tra lượng muối ghi trên bao bì thực phẩm đối với thực phẩm mua sẵn, hạn chế ăn các món có dùng nhiều muối như dưa hành, món kho, nấu ăn ít muối, dùng gia vị thay thế vị mặn của muối.

Điều quan trọng là trong mâm cỗ ngày Tết, các gia đình cần hết sức coi trọng vai trò của rau quả trong chế độ ăn hàng ngày, nhất là với những người thừa cân và béo phì, nên sử dụng đủ rau, quả hàng ngày với lượng trên 400 g/ngày. Vai trò của rau và quả chín cung cấp nguồn các vitamin, chất khoáng và chất xơ đã được khẳng định.

Bảo quản thực phẩm đúng cách

Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, những thực phẩm truyền thống ngày Tết như bánh chưng, bánh tét, giò, chả, giò xào… là nhóm món ăn chế biến sẵn, thường được mua ít nhất là 1-2 ngày. Đặc điểm của nhóm thực phẩm này là có thể bảo quản trong điều kiện thoáng mát, không bụi bặm, ẩm thấp.

Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam, thực phẩm dễ bị tấn công bởi vi khuẩn, nấm, mốc dẫn đến hư hỏng và ngộ độc thực phẩm. Bởi vậy, người dân không nên tích trữ quá nhiều món ăn, quá nhiều số lượng từng món, chỉ mua vừa đủ, vừa tránh lãng phí, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tủ lạnh cũng không phải là “chiếc tủ thần kỳ” để bảo quản đồ ăn. Thức ăn được lấy ra ở trong tủ lạnh chỉ sử dụng một bữa, và nếu dư cũng không nên để lại bữa sau, thức ăn để lâu nhất là 5-6 giờ. Thức ăn bị nhiễm vi khuẩn, để lâu trong tủ lạnh vẫn sinh ra độc tố. Thức ăn đun lại, vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 100ºC, nhưng độc tố do vi sinh khuẩn sinh ra vẫn còn nguyên độc tính gây nên ngộ độc cho người sử dụng.

Vì vậy, người dân không nên để thực phẩm quá nhiều trong tủ lạnh khiến luồng khí lạnh không thể lưu thông, dẫn đến nhiệt độ ở một số vị trí trong tủ có thể tăng cao, làm hỏng thức ăn. Nếu tủ lạnh chứa đầy thức ăn, hãy điều chỉnh nhiệt độ thấp xuống, đồng thời thường xuyên vệ sinh tủ lạnh.

Để có những ngày Tết vui vẻ, các thành viên trong gia đình thực sự có một sức khỏe tốt, có những bữa ăn ngon và an toàn vệ sinh thực phẩm, việc bảo quản thực phẩm là hết sức quan trọng. Người dân tuyệt đối không để thực phẩm sống lẫn thực phẩm đã chín, thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh cần đựng vào hộp riêng, đậy nắp kín../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục