Đầu tư hạ tầng cơ sở, dịch vụ tài chính, du lịch và đào tạo nhân lực là những lĩnh vực mà nhiều doanh nghiệp tại Cộng hòa Malta mong muốn thúc đẩy kết nối hợp tác với Việt Nam.
Đây là những nội dung chính được thảo luận trong Hội thảo Xúc tiến hợp tác kinh tế Việt Nam-Malta với tiêu đề "Làm ăn với Việt Nam" vừa diễn ra tại thủ đô Valetta (Cộng hòa Malta) do Đại sứ quán Việt Nam tại Italy kiêm nhiệm Malta phối hợp với Phòng Thương mại, Công nghiệp và Đầu tư của Malta tổ chức.
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Italy kiêm nhiệm Malta, ông Cao Chính Thiện đã thông tin đến các doanh nghiệp Malta về tình hình phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam trong thời gian qua, cũng như những chủ trương, chính sách cởi mở của nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, thương mại và kinh tế.
Theo Đại sứ Cao Chính Thiện, sau hơn 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ chính trị giữa hai nước đã đạt được những thành quả tốt đẹp, nhưng quan hệ kinh tế, thương mại còn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Vì vậy, ưu tiên phát triển hợp tác kinh tế, thương mại song phương sẽ là trọng tâm trong thời gian tới.
Đánh giá sau hội thảo, Đại sứ Cao Chính Thiện nhấn mạnh: "Các doanh nghiệp Malta quan tâm một cách thực chất đến thị trường Việt Nam. Một số doanh nghiệp thậm chí đã có sự chuẩn bị rất sẵn sàng để làm ăn kinh doanh tại Việt Nam."
Trong khuôn khổ hội thảo, Tham tán Thương mại Bùi Vương Anh cũng cung cấp các thông tin chi tiết về tình hình xuất nhập khẩu và đầu tư giữa hai nước, đánh giá tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực thế mạnh của Malta, như hàng hải, kho vận ngoại thương, tài chính ngân hàng và dịch vụ du lịch.
Một số các doanh nghiệp, nhà tư vấn Malta và Italy từng làm ăn tại Việt Nam cũng đã chia sẻ về tình hình thị trường cũng như kinh nghiệm triển khai làm ăn tại Việt Nam.
Ông Ian Casignena, đại diện cho đơn vị đồng tổ chức hội thảo là ngân hàng HSBC Malta, nhấn mạnh với đại diện các doanh nghiệp Malta về những ưu thế về nguồn nhân lực chất lượng cao, chi phí thấp tại Việt Nam.
Trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2004, Malta hiện được coi là cửa ngõ vào châu Âu và Bắc Phi của nhiều doanh nghiệp quốc tế, nhất là trong lĩnh vực hàng hải, hậu cần và dịch vụ tài chính.
Nhờ có vị trí chiến lược trong khu vực và hệ thống hậu cần phát triển, Malta có thể làm cửa ngõ đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường EU, Đông-Nam Âu và Bắc Phi, nhất là khi Việt Nam và EU ký thỏa thuận thương mại tự do trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, với hệ thống luật pháp và thuế quan thuận lợi hàng đầu châu Âu và thế giới, Malta hoàn toàn có khả năng hợp tác, tạo điều kiện cho Việt Nam thiết lập các cơ sở tài chính-ngân hàng tại đây, để từ đó vươn ra toàn khu vực EU và Bắc Phi.
Hai bên cũng nhất trí sẽ sớm thúc đẩy việc ký kết chính thức Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa hai nước. Đồng thời, Malta cũng có ngành du lịch và hệ thống giáo dục-đào tạo khá phát triển, nơi tiếng Anh được sử dụng như ngôn ngữ chính thức.
Đại sứ Cao Chính Thiện cũng đề xuất Chính phủ Malta nghiên cứu phương án tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp thị thực (visa) cho lưu học sinh và khách du lịch Việt Nam vì hiện Malta không có Đại sứ quán tại Việt Nam.
Dự kiến, Phòng Thương mại, Công nghiệp và Đầu tư của Malta sẽ tổ chức đoàn doanh nghiệp sang khảo sát cơ hội kinh doanh-đầu tư tại Việt Nam trong năm 2017./.